Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ được tổ chức thành công tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
SVVN - Sáng 15/11 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Đại học Troy (Hoa Kỳ) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ 'Đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển bền vững'. Sự kiện là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của UEB (1974-2024).
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: 'Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững' là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa đạt cột mốc một năm. Diễn đàn cũng dịp nhìn lại chặng đường 30 năm, từ bình thường hóa quan hệ đến Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó nhấn mạnh sự phát triển sâu rộng và bền vững trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo và giáo dục.
Diễn đàn có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp từ cả hai nước.
Ông Đồng Huy Cương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu chào mừng tại diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông Đồng Huy Cương nhấn mạnh rằng từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, đặc biệt là sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Những tiến bộ này đã được Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận trong cuộc hội đàm vào tháng 9 vừa qua.
PGS. TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Diễn đàn hôm nay không chỉ là một sự kiện học thuật; mà còn cung cấp góc nhìn toàn diện về quan hệ đối tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Diễn đàn tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia và học giả từ cả hai nước thảo luận và trao đổi ý tưởng về các hướng phát triển trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững."
Là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Việt Nam và được Times Higher Education xếp hạng trong số 401-600 trường đại học hàng đầu thế giới, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) luôn hướng đến mục tiêu quốc tế hóa giáo dục, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. VNU cam kết thực hiện sứ mệnh quốc gia của mình, không chỉ thông qua việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao mà còn thông qua nghiên cứu chiến lược, tham vấn chính sách và thúc đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam.
PGS. TS Đào Thanh Trường chia sẻ.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng; PGS. TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng.
PGS. TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường UEB chia sẻ: "VNU-UEB là đơn vị tiên phong trong việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao hợp tác với các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ."
Thông tin từ PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, vị thế và uy tín của UEB không ngừng được củng cố, UEB được công nhận là đơn vị đào tạo hàng đầu, trở thành trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam được Times Higher Education xếp hạng 501-600 thế giới về Kinh doanh và Kinh tế vào năm 2023. Năm 2024, UEB lọt vào Bảng xếp hạng đại học thế giới QS, xếp hạng 451-500 thế giới về Kinh tế và Kinh tế lượng.
Các đại biểu kết nối trực tuyến cùng Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco.
Bà Isabelle Mulin - Giám đốc Chương trình Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.
Giáo sư Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana chia sẻ về "Các yếu tố chính hướng tới phát triển bền vững".
Từ trái qua phải: bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam; ông Michael Nguyen - Tổng giám đốc Boeing Việt Nam, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham); GS Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana; TS Hoàng Quốc Bảo - Đại học Southern Arkansas, Tổng Giám đốc điều hành SPACE ASEAN; TS Vũ Hoàng Linh - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và ông Henry Vo, Giám đốc VABA (Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ) dự trực tuyến.
Tại phiên thảo luận bàn tròn thứ nhất về "Hợp tác Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ", các chuyên gia tập trung vào xu hướng tăng trưởng thương mại song phương, cơ hội và thách thức trong chuỗi cung ứng, đầu tư FDI, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, mở rộng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ, cũng như các chiến lược ESG (môi trường-xã hội-quản trị).
Phiên thảo luận bàn tròn thứ 2 có sự tham dự của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; ông Mr. Philip Psilos - Trưởng Dự án USAID về Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Đại học (HEDS), Chemonics International; TS Sohail Agboatwala - Phó Giám đốc Troy University; Bà Tashina Giraud - Giám đốc Đối tác Quốc tế và Sáng kiến Chiến lược, American University; TS William J. Carroll - Chủ tịch/Nhà sáng lập Hunter Global Education và TS Hoàng Quốc Bảo - Southern Arkansas University, Nhà sáng lập/Giám đốc điều hành SPACE ASEAN.
Trong phiên thảo luận bàn tròn thứ 2 về "Hợp tác Đổi mới Sáng tạo và Giáo dục hướng tới Phát triển bền vững”, các chuyên gia chia sẻ các vấn đề hướng tới thúc đẩy đổi mới trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển giáo dục STEM, kỹ năng số và vai trò của đại học trong nghiên cứu ứng dụng. Các ứng dụng công nghệ số và AI trong giáo dục cũng được đề cập, tăng cường giáo dục bền vững và nhận thức về môi trường.