“EQ không còn là chủ đề trừu tượng, 'khó nhai' nữa”
Trên hành trình “ươm mầm” cảm xúc, Kỳ Duyên đã từng tổ chức những workshop về phát triển trí tuệ cảm xúc dành cho trẻ em tại những mái ấm. Tuy nhiên, chị và những thành viên đồng sáng lập nhận ra rằng những workshop như vậy không mang tính bền vững. Vì trẻ em chỉ tiếp thu những kiến thức này trong khoảng thời gian ngắn khi có những người đồng hành trong quá trình học hỏi và nhận biết về cảm xúc. Chính vì thế, Kỳ Duyên và các bạn trong nhóm đã nghiên cứu và ấp ủ ý tưởng tạo ra những sản phẩm đồ chơi giáo dục để giúp các em nhỏ hứng thú với việc học về EQ và không thấy đây là một chủ đề trừu tượng, “khó nhai” nữa.
Xuất phát với ý tưởng đó, có một nhóm phụ huynh chú trọng đến việc phát triển EQ của con và EM-IN đã có cơ hội được mời đến tổ chức workshop cũng như giới thiệu sản phẩm đến với các em nhỏ. Từ đó, những bạn trẻ thấy được tiềm năng của thị trường và mong muốn phát triển thành một doanh nghiệp xã hội để có nguồn tài chính ổn định, giúp tạo ra nhiều sản phẩm và trao tặng những “đứa con” của mình đến nhiều mái ấm trên khắp cả nước.
Kỳ Duyên cùng nhóm sinh viên tổ chức workshop về chủ đề EQ. |
Kỳ Duyên chia sẻ: “Trí tuệ cảm xúc và Sức khoẻ tinh thần là những khái niệm xa xỉ. Đó chính là lý do để mình thành lập nên EM-IN. Hiện nay, chưa có các chương trình đặt sức khoẻ tinh thần và giáo dục cảm xúc làm trọng tâm, mình mong muốn EM-IN sẽ là dự án thực hiện được sứ mệnh đó. Toàn bộ sản phẩm của EM-IN tạo ra sẽ được dành riêng cho trẻ, với mọi nơi và điều kiện sống trên lãnh thổ Việt Nam, để sự giáo dục lành mạnh có thể được chạm được đến tay nhiều em nhỏ nhất”.
Trong những ngày đầu thành lập EM-IN và cho đến thời gian hiện tại, khó khăn lớn nhất mà Kỳ Duyên gặp phải là việc nhận thấy bản thân vẫn còn phải trau dồi về năng lực để dẫn dắt nhóm và theo sát quá trình phát triển của từng thành viên. Vì thế, trong tương lai, chị hy vọng bản thân sẽ nỗ lực trau dồi thêm để có thể là chỗ dựa vững chắc cho team EM-IN.
Chuyên ngành Tâm lý học giúp Kỳ Duyên hiện thực hóa ý tưởng của mình. |
“Cạnh nhau chứ không cạnh tranh”
Dành hơn một năm để đi từ ý tưởng, các thử nghiệm cho đến sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm đầu tiên của EM-IN là bộ trò chơi Biết mình biết ta. Bộ “board game” gồm các chiếc thẻ định nghĩa của những cảm xúc cốt lõi: vui vẻ, buồn bã, tức giận, sợ hãi, yêu thương, ngạc nhiên. Thông qua những tình huống và câu hỏi, người chơi sẽ được dẫn dắt từ định nghĩa cảm xúc tới nhận biết và bày tỏ chúng trong những tình huống thực tế. Điều thú vị ở bộ trò chơi này là ở thông điệp “cạnh nhau chứ không cạnh tranh”. Thay vì phải cạnh tranh lẫn nhau để tìm ra người thắng cuộc ở những trò chơi thông thường khác, người chơi của Biết mình biết ta sẽ cùng nhau lên chiến thuật và hỗ trợ nhau để vượt qua thử thách.
|
Bộ trò chơi đầu tay của Kỳ Duyên và nhóm đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và yêu mến của các em nhỏ. Đặc biệt, khi những bậc bố mẹ, anh chị lớn cũng là người nhận được những “trải nghiệm” cảm xúc thú vị và xúc động khi tham gia cùng với con em của mình.
Đằng sau những phút giây vui chơi thư giãn là những bài học chân thành về cảm xúc mà các em nhỏ nhận được. Đó chính là thành quả của sự đầu tư tỉ mỉ, tâm huyết của các bạn trẻ EM-IN. Qua thời gian đồng hành, những thành viên trong nhóm là niềm tự hào to lớn mỗi lần Kỳ Duyên nhắc đến. Đó là “những đồng đội rất giỏi, rất siêng năng và có khả năng thấu cảm cao”. Bằng cách quan tâm, lắng nghe đến cảm xúc của nhau, các bạn EM-IN luôn nói xin lỗi khi bản thân quá căng thẳng hay sẵn sàng cho nhau một cái ôm khi thấy người kia quá áp lực.
Gia đình cùng nhau trải nghiệm bộ trò chơi của EM-IN. |
Cùng với những bạn trẻ nhiệt huyết, Kỳ Duyên hy vọng: “EM-IN sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm ý nghĩa và đến tay được nhiều bạn nhỏ hơn nữa, để việc phát triển EQ có thể lan tỏa tới tất cả trẻ em trên mọi miền đất nước. Chúng mình sẽ luôn ưu tiên việc sáng tạo ra những sản phẩm khoa học giúp phát triển Trí tuệ cảm xúc và nuôi dưỡng Sức khoẻ tinh thần cho trẻ em. Và sứ mệnh này chính là kim chỉ nam của dự án. Dù có làm gì thì EM-IN cũng sẽ quay lại để đạt được những giá trị này”.