Chương trình được tiếp sóng hai điểm cầu: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, TP. Hà Nội).
Lớp thế hệ 'Ba sẵn sàng' tham gia chương trình. |
Tham dự chương trình có: Bà Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch T.Ư Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim; các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Phong trào “Ba sẵn sàng” và hơn 2.500 đoàn viên, thanh niên Thủ đô.
Chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu ôn lại lịch sử 60 năm phong trào, chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết: Phong trào “Ba sẵn sàng” là sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
"Từ quảng trường Cách mạng Tháng Tám, hàng ngàn thanh niên Hà Nội phơi phới tuổi xuân, sục sôi khí thế lên đường chiến đấu trong ánh lửa rực sáng với lời thề “Ba sẵn sàng” âm vang…”, chị Chu Hồng Minh chia sẻ.
Tại hai điểm cầu đã diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Khát vọng tuổi trẻ - Sáng mãi ngọn lửa Ba sẵn sàng”.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chia sẻ với thế hệ thanh niên, sinh viên 'Ba sẵn sàng' tại chương trình. |
Chương trình tái hiện lại một giai đoạn lịch sử đầy tự hào của tuổi trẻ Thủ đô nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung. Những phóng sự tư liệu của lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” 60 năm về trước được lồng ghép với các tiểu phẩm, hoạt cảnh trên sân khấu, cùng những ca khúc thể hiện tinh thần tự hào và niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và nói lên khát vọng của tuổi trẻ Thủ đô tiếp nối truyền thống “Ba sẵn sàng”.
Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu bằng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, những câu chuyện được kể lại xen kẽ giữa hai điểm cầu: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và Nhà máy xe lửa Gia Lâm - những địa danh đã đi vào lịch sử như những “nhân chứng” chứng kiến hàng vạn thanh niên Thủ đô tràn đầy nhiệt huyết “Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.
Xúc động khi dự chương trình, ông Đỗ Minh Kiền (sinh năm 1946) chia sẻ: “Chúng tôi là lực lượng đầu tiên thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng”. Năm 1964, lúc đó, tôi mới 18 tuổi, là một trong những thanh niên huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội), viết đơn tình nguyện lên đường bằng máu và được biên chế vào Đội C9, tham gia mở đường chiến lược 13C. Chúng tôi vô cùng xúc động khi được ôn lại những kỷ niệm của tháng ngày gian khổ nhưng cũng đầy sôi nổi, tự hào”.
Chương trình đem đến cho khán giả truyền hình cả nước một không gian nghệ thuật đầy sắc màu, cung bậc cảm xúc về hình ảnh của các đoàn viên, thanh niên Thủ đô trong những chặng đường vẻ vang của lịch sử dân tộc.