Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: Bình mới rượu có mới?

SVVN - Liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở như đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên mang lại khoản học phí, tiền đóng góp không chính thức, quà cáp... giúp trường và giảng viên có thu nhập đáng kể. Liệu dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD - ĐT vừa tổ chức lấy ý kiến có dẹp được trình trạng này?

Nhiều điểm mới

Dự thảo quy chế tiếp cận theo hướng tăng cường quản lý chất lượng; chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định tối thiểu về chuẩn chương trình đào tạo. Theo dự thảo, quy định tuyển sinh trình độ thạc sĩ phải chuẩn nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng ngành đào tạo và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, bảo đảm các quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các quy định của pháp luật liên quan.

Thời gian đào tạo không quá 02 năm so với thời gian thiết kế của chương trình và xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình đào tạo.

Cụ thể, khối lượng tín chỉ cho mỗi học kỳ không quá 23 tín chỉ đối với chương trình đào tạo được thiết kế 1 năm có 2 học kỳ; mỗi học kỳ không quá 15 tín chỉ đối với chương trình đào tạo được thiết kế một năm có 3 học kỳ.

Điểm thay đổi đáng chú ý, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện trên nguyên tắc chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành.

Dự thảo quy chế cũng cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ đại học) của người học để xác định những nội dung/học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.

Dự thảo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ này cũng cho phép chương trình đào tạo có thể tổ chức đào tạo kết hợp với hình thức đào tạo trực tuyến nhưng không quá 30% khối lượng kiến thức của toàn bộ chương trình đào tạo.

Theo dự thảo, giảng viên đào tạo trình độ thạc sĩ phải có bằng tiến sĩ. Ngoài việc được phân công nhiệm vụ giảng dạy hoặc hướng dẫn học viên thực hành, thực tập, thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ như Thông tư hiện hành, theo yêu cầu mới giảng viên còn phải là người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng có liên quan và phải bảo đảm quy định pháp luật về tiêu chuẩn đối với giảng viên.

Giảng viên hướng dẫn thứ nhất đề tài luận văn là người có toàn thời gian tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại cơ sở đào tạo; có bằng tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học, hoặc có học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các lĩnh vực liên quan đề tài luận văn.

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: Bình mới rượu có mới? ảnh 1 Liệu dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD - ĐT vừa tổ chức lấy ý kiến có giúp việc đào tạo sau đại học tốt hơn?

Đồng thời, giảng viên hướng dẫn phải có kinh nghiệm để tiến hành các nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực hướng dẫn học viên. Đặc biệt, giảng viên thứ nhất phải có bài báo công bố công trình nghiên cứu trong vòng 3 năm gần nhất tính đến ngày cơ sở đào tạo ra quyết định giao đề tài hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.

Giảng viên thứ hai đề tài luận văn là người có toàn thời gian tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại cơ sở đào tạo hoặc chuyên gia bên ngoài, có bằng tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học, hoặc có học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các lĩnh vực liên quan đề tài luận văn và phải có kinh nghiệm để tiến hành các nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực hướng dẫn học viên.

Chuẩn hóa?

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, trường ĐH Luật TP. HCM cho rằng, việc dự thảo mở thêm hướng xét tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ là đúng nhưng cần phải có bộ tiêu chí quy định cụ thể, phải có bộ tiêu chí để xét tuyển. Theo bà Ngọc, dự thảo yêu cầu người học thạc sĩ cần có bằng tốt nghiệp học lực khá mới được thi tuyển là khép lại cơ hội cho người học. Việc này theo bà Ngọc nên để các trường chủ động đầu vào và siết chuẩn đầu ra.

Còn theo bà Đào Thị Nhu Mì, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế, Nhạc viện TP. HCM, dự thảo cần có độ mở trong quy định về trình độ người hướng dẫn, đào tạo thạc sĩ với một số ngành, lĩnh vực đặc thù ở các trường nghệ thuật. Trong thực tế, ở một số ngành, trường thuộc khối nghệ thuật thường hay có nghệ sĩ (NSƯT, NSND) cùng hướng dẫn học viên nhưng họ không có bằng tiến sĩ mà chỉ có kinh nghiệm. Do đó, rất cần quy định mới trong đào tạo với khối ngành nghệ thuật.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các các cơ sở giáo dục đại học giảm mạnh; do nguyên nhân chủ quan, khách quan và có yếu tố cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài. Tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường tốp cao kém hơn các trường khác là một trong những bất cập trong thực tế. Vì vậy, Bộ GD - ĐT chủ trương xây dựng lại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đảm bảo theo đúng quy định của luật và yêu cầu tập trung vào chất lượng.

Theo Thứ trưởng, Quy chế có thể giảm bớt các yêu cầu về quy trình, thủ tục không cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản là chuẩn mực về chất lượng, tuyển sinh, đề cao tính công bằng, khách quan, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, tạo ra cơ chế thông thoáng; nếu có cạnh tranh thì phải cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với nhau và với quốc tế, từng bước hướng tới chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Hoàng Minh Sơn: Công tác tuyển sinh 2024 sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định

SVVN - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2023, tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, 9 năm qua, ngành giáo dục đã có những điều chỉnh mang lại lợi ích tốt hơn cho các trường đại học và cho thí sinh. Đến nay, công tác tuyển sinh đã từng bước đi vào quy củ.