3 nhóm vấn đề
Cụ thể, ở lần kiến nghị thứ nhất (15/10/2020), nhóm giảng viên phản ánh 3 vấn đề, trong đó có việc “bổ nhiệm thần tốc” chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định pháp luật hiện hành đối với Trưởng khoa.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã có công văn gửi Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM), ngày 19/10/2020, để xem xét, gửi kết luận về Thanh tra Chính phủ.
“Sau 51 ngày làm việc, sự phản ánh của chúng tôi không được nhà trường giải quyết thỏa đáng, một số nội dung được kết luận phiến diện, một số nội dung gây tổn hại danh dự cho giảng viên, điều này gây bức xúc đến mức tập thể làm đơn nghỉ việc”, đơn kiến nghị lần 2 của nhóm giảng viên nêu.
Ngày 28/12/2020, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có kết luận do bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ký, về các nội dung kiến nghị, phản ánh đối với bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học.
Theo kết luận này, việc phản ánh thứ nhất, nhà trường bổ nhiệm bà Mai không đúng quy định, dựa vào những tiêu chuẩn, điều kiện là sai.
“Việc bổ nhiệm bà Mai giữ chức Phó Trưởng khoa Hàn Quốc học, sau đó là Trưởng khoa đã được thực hiện đúng quy trình gồm các bước như tập thể khoa Chi ủy khoa đề nghị giới thiệu bằng văn bản, lấy ý kiến tín nhiệm công khai minh bạch, kết quả giới thiệu nhân sự được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ trường và báo cáo ĐHQG TP. HCM.
Việc bà Mai có chồng người Hàn Quốc và có 2 con quốc tịch Việt Nam - Hàn Quốc là không trái quy định pháp luật. Các quy định về bổ nhiệm viên chức không cấm việc bổ nhiệm viên chức quản lý đối với công dân Việt Nam có 2 quốc tịch. Do vậy nhà trường không làm trái pháp luật khi bổ nhiệm bà Mai, người có 2 quốc tịch.
Việc bà Mai có 4 người con, thì Nghị định 176/2013 đã bỏ quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức sinh con thứ ba trở lên. Bà Mai không vi phạm những điều viên chức không được làm, do vậy nhà trường không làm trái luật khi bổ nhiệm bà Mai.
Đối với phản ánh thứ hai xoay quanh việc bà Phương Mai thiếu dân chủ trong quản lý điều hành, yếu năng lực quản lý, lãnh đạo, nhóm giảng viên nêu tới 23 vấn đề. Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn kết luận trong nội dung phản ánh này, có 5/23 vấn đề phản ánh đúng, 7/23 vấn đề phản ánh đúng một phần, 11/23 vấn đề phản ánh sai.
Về nội dung phản ánh thứ ba là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa, gồm huy động nguồn tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất nhưng không công khai tài chính được kết luận là phán ánh đúng 1 phần.
Việc nhóm giảng viên cho rằng Trưởng khoa tự ý cho phép công ty của một giảng viên Hàn Quốc gần gũi thân thiết với mình chiếm dụng, sử dụng Văn phòng Khoa vào mục đích cá nhân là phản ánh không đúng sự thật.
Nhà trường kết luận, nội dung phản ánh thứ ba có một nội dung phản ánh đúng một phần, một nội dung phản ánh sai.
Bổ nhiệm đúng
Trước những lùm xùm xảy ra tại khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP. HCM đã thông tin về vụ việc.
Theo đó, quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng quyết định năm 2018, trong đó có Trưởng khoa Hàn Quốc học, áp dụng các văn bản quy định của Nhà nước, của ĐHQG TP. HCM và nhà trường trong việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng.
Đó là Luật Viên chức; Nghị định số 29/2012 của Chính phủ, Quyết định số 70/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Điều lệ trường đại học (thời điểm bổ nhiệm bà Mai còn hiệu lực); Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐHQG TP. HCM do ĐHQG TP. HCM ban hành; Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường và các văn bản có liên quan khác.
Theo đó, tiêu chuẩn của Trưởng khoa được quy định phải có trình độ Tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý.
“Quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục: Nhà trường dựa trên các quy định về việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị và của Nhà trường. Quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể viên chức – người lao động của trường, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, giám sát của Công đoàn trường, đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa đương nhiệm, đại diện Chi ủy, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Khoa, đại diện Phòng Tổ chức - Cán bộ và sự tham gia của toàn thể viên chức – người lao động trong khoa”, trường này khẳng định.
Đối với việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm Trưởng khoa Hàn Quốc học, trường này thông tin, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe… bà Nguyễn Thị Phương Mai hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm trưởng khoa theo quy định như: Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tiếng Hàn và Thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại ĐHQG Seoul, Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai cũng có đầy đủ các văn bằng chứng chỉ theo tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học, như Chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Bà Phương Mai có thâm niên giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Từ năm 2003 đến nay, bà Nguyễn Thị Phương Mai đã tham gia giảng dạy tại khoa Hàn Quốc học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia viết sách và có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.