Bí kíp thứ nhất của mình:
Nhờ một người check hộ xem mình đã làm sai câu nào, và chưa đưa đáp án. Lúc này, nhiệm vụ của ta là ngồi ngẫm nghĩ xem tại sao mình lại làm sai những câu này và các phương án có thể thay thế là gì? Làm lại nào!
Nhờ bạn check hộ lần nữa, xem đã trùng với đáp án chưa, nếu rồi thì quá tốt, Bingo, chúng ta đã là người tự nhận ra lỗi sai của mình và sửa sai ngay lập tức. Còn nếu chưa đúng thì, cố gắng làm đến khi nào đúng thì thôi, bất lực quá thì xem đáp án, và vẫn Bingo, đây là lỗi sai mà bạn sẽ nhớ thật dai dẳng, thật lâu, vì nó đã làm bạn tốn bao nhiêu thời gian mới giải quyết xong. Giờ thì học lại phần đó để phục thù nhé!
Bí kíp thứ hai:
Căn chuẩn thời gian làm đề như trong kỳ thi thật. Đây là cách để chúng ta sắp xếp thời gian hợp lý trong khi thi, tránh trường hợp thiếu thời gian và không hoàn thành bài thi. Chuông đồng hồ kêu hết giờ là dừng bút. Qua quá trình luyện đề, ta dần sẽ tạo lập được một khung thời gian nhất định cho từng phần bài để đảm bảo rằng ta có đủ thời gian suy nghĩ, làm bài và khảo bài.
Mình còn thường xuyên cài đồng hồ đếm ngược với lượng thời gian ít hơn thời gian thi thật 5 phút, coi như là trừ cho khoản ngồi làm đề ở nhà thì thường có tinh thần và tâm lý thoải mái hơn hẳn sự hồi hộp trong phòng thi.
Bí kíp thứ ba:
Viết lại những từ vựng, cấu trúc, và những lỗi sai mình học được từ đề vừa luyện.
Viết cụ thể, rõ ràng cho từng đề, bao gồm cả ngày tháng làm bài. Sau đó, hãy để một tuần sau hãy làm lại đề, hai tuần sau làm lại đề lần nữa, xem mình có giảm thiểu được lỗi sai không, và đánh giá quá trình tiến bộ của bản thân, xem số điểm có được nâng lên khả quan hơn không. Tất cả những thông tin mình viết trong hàng chục, hàng trăm đề mình làm sẽ là một nguồn tài liệu quý giá để học và hệ thống trong những ngày tháng trước khi thi.
Bí kíp thứ tư:
Bạn cần hiểu rằng chúng ta sẽ trải qua hai khoảng thời gian luyện đề. Một là thời gian vừa luyện đề vừa ôn tập. Lúc này, điểm số có thể không cao nếu không muốn nói là thấp tè le. Nhưng không sao cả, thời điểm này, điều quan trọng hơn cả là chúng ta luyện đề để lấp những lỗ hổng và củng cố kiến thức, thay vì chỉ tập trung xem mình làm được bao điểm và trong thời gian giới hạn. Hãy thoải mái và học thêm các chuyên đề mà mình làm chưa ra trong đề nha.
Khoảng thời gian thứ hai là luyện đề. Lần này, ta nên theo sát hơn sự tiến bộ giữa các lần làm thử đề theo thời gian, để đánh giá khả năng của bản thân, từ đó có định hướng đúng nhằm khắc phục và phát huy, đặc biệt là rèn kỹ năng phản xạ trước câu hỏi. Bám sát với số điểm mục tiêu của mình đã đề ra lúc đầu. Nếu như bạn luyện đề mà thường đạt được số điểm bạn mong muốn, thì có thể dành thời gian để nghiên cứu và học các câu còn lại để tăng khả năng đạt điểm cao hơn. Nếu không thì cũng không sao cả, chúng ta còn thời gian để cày đi cày lại cho chắc các câu mình có khả năng làm được, đảm bảo chúng ta ngắm trúng mục tiêu.
(Nội dung trích từ cuốn sách đầu tay Tiếng Anh không khó – Đừng nhăn nhó của 2 tác giả trẻ Khánh Vy và Thiện Khiêm sẽ được phát hành vào 5/7/2020).