Bạn trẻ sợ Chủ Nhật: Khi ngày cuối tuần trở thành ngày làm việc 'không chính thức'

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Theo một khảo sát của Talker Research (Mỹ), 74% Gen Z đã từng trải qua cảm giác sợ Chủ Nhật ít nhất một lần mỗi tháng.

Ngày làm việc "không chính thức"

Chiều Chủ Nhật, thay vì tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi bên bạn bè hay gia đình, Ánh Dương (21 tuổi), nhân viên một văn phòng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngồi lặng lẽ bên bàn làm việc trong căn phòng nhỏ. Trên bàn là chiếc laptop đang mở dang dở bảng kế hoạch doanh số cần gửi vào sáng thứ Hai. Cạnh đó là tách cà phê đã nguội lạnh để trên bàn là bằng chứng cho sự tập trung kéo dài từ sáng đến giờ của Dương.

“Mỗi lần đến Chủ Nhật, mình lại cảm thấy uể oải và lo lắng. Sáng cố gắng dành vài giờ đi chơi với bạn bè, nhưng tâm trí cứ luẩn quẩn với công việc. Chiều lại phải ngồi vào máy tính để chuẩn bị báo cáo hoặc kiểm tra các email chưa phản hồi kịp trong tuần,” Dương tâm sự.

Bạn trẻ sợ Chủ Nhật: Khi ngày cuối tuần trở thành ngày làm việc 'không chính thức' ảnh 1

Dương áp lực với hàng loạt deadline đang đợi ở tuần mới. (Ảnh: NVCC)

Dương bắt đầu công việc hiện tại được gần hai năm. Là nhân viên mới, cô nàng luôn cố gắng hết mình để tạo ấn tượng tốt với cấp trên. Tuy nhiên, công việc áp lực với hàng loạt deadline, yêu cầu ngoài giờ thường xuyên khiến Dương dần mất đi sự cân bằng trong cuộc sống:

“Chủ Nhật, lẽ ra là ngày nghỉ ngơi, thì lại trở thành ngày lo lắng nhất vì phải gấp rút hoàn thành những công việc còn tồn đọng. Mỗi tuần trôi qua đều giống như guồng quay không ngừng nghỉ, mình chẳng còn phân biệt nổi đâu là thời gian làm việc, đâu là thời gian nghỉ ngơi,” cô chia sẻ thêm.

Không chỉ Dương, nhiều người trẻ cũng đang phải đối mặt với nỗi ám ảnh ngày Chủ Nhật. Nguyễn Thu Hà (25 tuổi), nhân viên thiết kế đồ họa tự do tại TP.HCM, chia sẻ rằng Chủ Nhật của cô cũng chẳng khác gì ngày làm việc bình thường. “Là freelancer nên mình không có khái niệm ngày nghỉ. Khách hàng có thể gọi bất cứ lúc nào, đặc biệt vào cuối tuần khi họ có thời gian rảnh để trao đổi thêm yêu cầu,” Hà nói.

Hà kể, cô nàng từng thử “tắt máy” vào cuối tuần, nhưng chỉ vài giờ sau đã nhận được hàng chục tin nhắn từ khách. “Có lần, mình quyết định dành trọn một ngày Chủ nhật để đi xem phim và mua sắm. Đến tối mở điện thoại thì thấy hàng loạt tin nhắn yêu cầu sửa gấp từ khách. Lần ấy mình bị mắng thậm tệ vì không phản hồi ngay, nên từ đó Chủ Nhật của mình cũng không còn là ngày nghỉ nữa,” Hà thở dài.

Nhiều bạn trẻ cho biết, ngay cả khi không làm thêm giờ, Chủ Nhật vẫn là một ngày không mấy dễ chịu vì phải tất bật chuẩn bị cho tuần mới. Nguyễn Hoàng Minh (27 tuổi), nhân viên marketing tại Hà Nội, chia sẻ: “Công ty mình nghỉ mỗi Chủ Nhật, nhưng thực tế đó là ngày phải soạn nội dung truyền thông cho tuần mới để kịp tiến độ. Sáng thì cố gắng ngủ thêm, nhưng chiều lại phải ngồi sắp xếp công việc, họp online hoặc chuẩn bị kế hoạch cho sáng thứ Hai. Thế nên Chủ Nhật chỉ là một ngày làm việc không chính thức mà thôi.”

Bạn trẻ sợ Chủ Nhật: Khi ngày cuối tuần trở thành ngày làm việc 'không chính thức' ảnh 2

Với nhiều bạn trẻ, Chủ Nhật chỉ là ngày làm việc "không chính thức". (Ảnh minh họa)

Điều đáng nói, nhiều người trẻ không xem sự chuẩn bị này là động lực để khởi đầu tuần mới hiệu quả, mà lại coi đó như một áp lực đè nặng. “Cứ đến Chủ Nhật là mình không yên tâm. Lo rằng nếu không chuẩn bị đầy đủ thì sáng thứ Hai sẽ bị trách móc. Ngày nghỉ như thế thì không còn ý nghĩa gì nữa,” Minh bộc bạch.

Làm sao để hết "sợ" Chủ nhật

Theo khảo sát của Talker Research (Mỹ), có đến 74% các bạn Gen Z trải qua cảm giác sợ Chủ Nhật ít nhất một lần mỗi tháng vì áp lực chuẩn bị cho tuần làm việc sắp tới. Thêm vào đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng 33% các bạn thuộc thế hệ Gen Z cảm thấy lo lắng về những công việc họ cần hoàn thành trong tuần, trong khi 28% cảm thấy không chắc chắn về diễn biến của tuần tới. Điều đáng chú ý là 42% Gen Z cho biết căng thẳng về việc hoàn thành công việc ngay trước khi tuần mới bắt đầu là một nguyên nhân chính gây ra lo lắng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, nỗi sợ ngày Chủ Nhật mà nhiều người trẻ gặp phải không phải là hiện tượng hiếm gặp trong xã hội hiện đại. “Điều này xuất phát từ áp lực công việc ngày càng lớn và thói quen làm việc thiếu sự phân chia rạch ròi giữa ngày nghỉ và ngày làm việc. Người trẻ hiện nay thường bị kỳ vọng làm việc liên tục, thậm chí cả ngoài giờ, dẫn đến sự cạn kiệt năng lượng,” ông phân tích.

Bạn trẻ sợ Chủ Nhật: Khi ngày cuối tuần trở thành ngày làm việc 'không chính thức' ảnh 3

74% các bạn Gen Z trải qua cảm giác sợ Chủ nhật ít nhất một lần mỗi tháng. (Ảnh minh họa bởi AI)

Ông cho biết thêm, việc nhiều người trẻ phải dành phần lớn thời gian Chủ Nhật để chuẩn bị cho tuần mới xuất phát từ văn hóa làm việc đề cao hiệu suất ngay lập tức. “Thay vì có những ngày nghỉ trọn vẹn để tái tạo năng lượng, nhiều người trẻ phải đối mặt với áp lực hoàn thành mọi thứ trước khi tuần mới bắt đầu. Điều này khiến Chủ nhật trở thành một ngày làm việc 'không chính thức', thay vì ngày để nghỉ ngơi, thư giãn,” ông nhận định.

Bà Phạm Kim Dung, Trưởng phòng nhân sự tại Công ty Cổ phần Nhất Vinh Việt Nam, nhận xét rằng văn hóa làm việc hiện nay có xu hướng đề cao năng suất hơn là chất lượng. “Nhiều doanh nghiệp vẫn xem việc nhân viên làm việc cả ngoài giờ là điều hiển nhiên, nhưng không nhận ra rằng điều này vô hình chung làm giảm hiệu suất. Khi nhân viên không có thời gian tái tạo năng lượng, họ dễ rơi vào tình trạng mất động lực, chán nản và thậm chí là kiệt sức,” bà Dung cho biết.

Theo bà Dung, việc vượt qua nỗi lo lắng ngày Chủ Nhật không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn cần sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp: “Các công ty nên xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh. Một số doanh nghiệp lớn trên thế giới đã thực hiện chính sách ‘email-free weekend’ – không gửi email vào cuối tuần, giúp nhân viên thực sự nghỉ ngơi. Đây là một hướng đi tích cực mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham khảo,” bà đề xuất.

Về phía cá nhân, Thạc sĩ Nam Anh khuyên rằng người trẻ nên học cách kiểm soát thời gian và công việc một cách chủ động hơn. “Hãy tập thói quen hoàn thành công việc trong tuần và đặt giới hạn rõ ràng cho ngày nghỉ. Nếu có những nhiệm vụ cần chuẩn bị cho tuần mới, hãy thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều muộn ngày Chủ Nhật để dành phần còn lại của ngày để thư giãn và nạp lại năng lượng,” ông gợi ý.

MỚI - NÓNG
Rực rỡ đêm khai mạc Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền 2025’
Rực rỡ đêm khai mạc Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền 2025’
SVVN - Tối 24/1, Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền’  Tết Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc tại bến Bình Đông (Q. 8, TP. HCM). Sự kiện diễn ra trong không khí sôi động, với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc cùng các hoạt động văn hóa ý nghĩa, tái hiện sinh động không gian chợ nổi miền Tây ngay giữa lòng thành phố sôi động.

Có thể bạn quan tâm

Phí Hạnh Nguyên: Câu chuyện về một cô gái trẻ đầy nỗ lực và cảm hứng

Phí Hạnh Nguyên: Câu chuyện về một cô gái trẻ đầy nỗ lực và cảm hứng

SVVN - Ở tuổi 22, Phí Hạnh Nguyên (năm thứ tư, ngành Sư phạm Ngoại ngữ, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể trong học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động Đoàn - Hội. Nhưng ẩn sau bảng thành tích ấy là cả một hành trình dài của sự cố gắng, đam mê và không ngừng phấn đấu.
GenZ tận dụng 'Thời điểm vàng' kiếm tiền dịp cuối năm

GenZ tận dụng 'Thời điểm vàng' kiếm tiền dịp cuối năm

SVVN - Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ lớn nhất trong năm ở nước ta. Thời điểm cận Tết, người dân cả nước tất bật sắm sửa đồ đạc để đón một năm mới. Chính vì vậy, đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Một bộ phận giới trẻ với sự thông minh, nhanh nhạy của mình đã tận dụng thời gian “vàng” này để kiếm thêm thu nhập với mức lương hấp dẫn.
Nhu cầu làm đẹp chụp hình Tết tăng cao, bạn trẻ làm nghề ‘hốt bạc’

Nhu cầu làm đẹp chụp hình Tết tăng cao, bạn trẻ làm nghề ‘hốt bạc’

SVVN - Tết Nguyên đán, dịp lễ truyền thống lớn nhất năm, không chỉ là thời điểm để mọi người đoàn tụ gia đình mà còn là cơ hội để chị em phụ nữ chăm chút vẻ ngoài, tạo nên diện mạo rạng rỡ nhất. Điều này khiến các dịch vụ trang điểm trở thành ‘hàng hot’ vào những ngày cận Tết, với lịch hẹn thường kín chỗ từ rất sớm.