Những câu chuyện đằng sau vỏ bọc hoàn hảo
Ở tuổi 27, Minh Anh, hiện đang là nhân viên marketing tại TP.HCM, luôn xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu, nụ cười rạng rỡ, công việc lẫn đời sống cá nhân được chia sẻ trên mạng xã hội khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Facebook và Instagram của cô nàng tràn ngập hình ảnh về những buổi tiệc tại nhà hàng sang trọng, các chuyến du lịch xa hoa, thành tích đáng nể trong sự nghiệp.
Minh Anh trong chuyến đi du lịch tới Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sau lớp vỏ hoàn hảo ấy là một cuộc sống với muôn vàn áp lực. Để duy trì vẻ ngoài hào nhoáng ấy, Minh Anh làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí cả vào cuối tuần:
“Mình luôn muốn người khác nghĩ rằng mình có một cuộc sống sung túc, thành công, nhưng thực tế để đạt được điều đó, mình gần như không có thời gian nghỉ ngơi,” cô nàng chia sẻ. Những buổi tối đăng ảnh check-in sang chảnh cũng là lúc Minh Anh đau đầu xử lý deadline dồn dập, những cuộc gọi "cháy máy" đến từ cấp trên.
Tương tự, Phương Duy, hiện đang là kỹ sư phần mềm tại Hà Nội, luôn khiến bạn bè ngưỡng mộ bởi những dự án thành công và mức lương đáng mơ ước. Nhưng đằng sau sự ngưỡng mộ đó là áp lực không nhỏ.
Duy làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày, thường xuyên bỏ bữa, uống nước tăng lực để tỉnh táo. Với mức lương cao, anh chàng vẫn chật vật trả góp chiếc xe hơi đời mới và gửi tiền về quê phụ giúp gia đình. "Mọi người nhìn vào nghĩ mình thành công dễ dàng, nhưng không biết những đêm mình mất ngủ vì áp lực không được phép thất bại," Duy nói.
Làm việc cật lực, Duy bắt đầu gặp ác mộng triền miên, thường xuyên tỉnh giấc vào giữa đêm với cảm giác bất an. “Có những lúc không thể tập trung làm việc, đầu óc cứ quay cuồng vì lo lắng,” anh kể. Duy thậm chí còn tránh xa các buổi gặp mặt bạn bè vì sợ bị so sánh với những người thành công hơn mình.
Hội chứng vịt nổi mô tả những người trông có vẻ điềm tĩnh bên ngoài, nhưng bên trong lại chìm trong áp lực phải thành công và thể hiện sự giỏi giang. (Ảnh: Donnal Lichaw) |
Cả Minh Anh và Phương Duy đều là minh chứng cho hội chứng “vịt nổi” (Duck Syndrome) – một khái niệm tâm lý do Đại học Stanford (Mỹ) đề xướng. Hội chứng này mô tả những người trẻ khoác lên mình vẻ ngoài bình thản, thành công, nhưng bên trong luôn phải “vùng vẫy” để chống chọi với áp lực.
Báo cáo của Bộ Y tế năm 2023 chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp chiếm 14,9% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người. Trong đó, số người bị tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số. Riêng ở trẻ em, khoảng ba triệu có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Học cách chấp nhận sự không hoàn hảo
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý và khoa học thần kinh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, hội chứng “vịt nổi” thường xuất phát từ sự kỳ vọng của xã hội và áp lực mà bạn trẻ tự tạo ra cho chính mình:
"Người trẻ ngày nay lớn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi sự hào nhoáng và thành công bề nổi, giá trị "ảo" được đề cao. Khi mọi người xung quanh đều tỏ ra hoàn hảo, nhiều bạn trẻ sẽ dễ cảm thấy mình thua kém nếu không duy trì được hình ảnh tương tự. Họ trở thành nạn nhân bởi cái bóng hoàn hảo, đẳng cấp, sang chảnh do chính mình tạo ra. Giống như hình ảnh 'vịt nổi', với vẻ bề ngoài họ có vẻ tĩnh lặng nhưng nội tâm lại bị giằng xé", ông nhận định.
"Một phần nguyên nhân đến từ mạng xã hội, nơi người trẻ bị cuốn vào 'văn hóa so sánh'. Nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ chỉ ra rằng, việc tiếp xúc liên tục với những hình ảnh thành công trên mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy áp lực và lo lắng về việc bản thân không đủ tốt. Vì vậy, các bạn chọn cách giấu đi khó khăn để giữ vững hình ảnh đẹp đẽ".
Cũng theo Thạc sĩ Nam Anh, đối với một số người, việc giấu kín nỗ lực và khó khăn còn là cách để duy trì cảm giác kiểm soát và che giấu những tổn thương nội tâm. Tuy nhiên, điều này chỉ làm gia tăng gánh nặng tinh thần, dễ dẫn đến căng thẳng và các vấn đề tâm lý.
Chuyên gia khuyến nghị, mỗi người cần chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân để thoát khỏi hội chứng "vịt nổi" |
"Hội chứng “vịt nổi” không chỉ tạo áp lực lên chính người mắc mà còn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi thấy bạn bè hoặc đồng nghiệp luôn đạt được thành công một cách 'nhẹ nhàng, nhiều người dễ nảy sinh cảm giác tự ti, nghi ngờ năng lực bản thân", chuyên gia cho biết thêm
Để thoát khỏi hội chứng “vịt nổi”, chuyên gia tâm lý khuyến nghị người trẻ cần học cách nhìn nhận giá trị bản thân một cách thực tế và lành mạnh hơn.
"Điều quan trọng là phải chấp nhận sự không hoàn hảo, bởi không ai hoàn hảo trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Thừa nhận khó khăn và thất bại không làm bạn trẻ yếu đuối mà ngược lại, giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm bớt kỳ vọng không cần thiết là điều cần thiết, bạn không cần phải đạt được mọi thứ chỉ để làm hài lòng người khác. Hãy đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.
Đồng thời, cần tránh so sánh bản thân với những hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, bởi đó chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống thực. Để duy trì sức khỏe tinh thần, hãy dành thời gian cho bản thân, lắng nghe cơ thể và tâm hồn mình, và đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ khi cần từ gia đình, bạn bè hay chuyên gia tâm lý.
Cuối cùng, thay vì chỉ chú trọng vào kết quả, hãy trân trọng nỗ lực cá nhân và tự hào về những cố gắng của mình, cho dù kết quả chưa mang lại thành công ngay lập tức", Thạc sĩ Nam Anh cho hay.
Minh Anh chia sẻ, sau khi trải qua giai đoạn kiệt sức nghiêm trọng, cô nàng đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ: “Mình nhận ra rằng việc tạo dựng hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội không quan trọng bằng việc sống thật với cảm xúc của mình,” cô nói.
Hiện tại, Minh Anh vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ nhưng đã biết cách sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
Phương Duy cũng học cách giảm bớt áp lực bằng việc chia sẻ khó khăn với bạn bè thân thiết. “Nói ra những gì mình đang trải qua giúp mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều,” anh chàng chia sẻ.