Bộ GD - ĐT cho biết đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.
Đại diện Bộ GD – ĐT, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2020 của Bộ GD - ĐT được tổ chức chiều ngày 30/6, tại Hà Nội.
Chánh Văn phòng Bộ GD - ĐT cũng cho biết, sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, quy định trách nhiệm của Sở, phòng GD - ĐT, các nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.
Trước đó, theo đánh giá của Bộ GD - ĐT, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước.
Theo số liệu của Bộ GD - ĐT, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, có trên 50% số trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Các sở GD - ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả có 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+.
Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua Internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ học sinh học qua Internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
"Dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình đã giúp các địa phương kết thúc năm học trước 15/7/2020, chất lượng giáo dục được đảm bảo, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh", đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá.