Bốn gương mặt trẻ tại chương trình gồm: Anh Nguyễn Xuân Lục - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn WATA; anh Phạm Huy Hiệu - Giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, chuyên gia nghiên cứu kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp (E-lab), trường ĐH VinUni; chị Hà Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trưởng Phòng Thí nghiệm sức khỏe não bộ, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) và anh Lê Văn Phúc - sinh viên ngành Địa lý Dân số xã hội, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM), Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky.
Bốn gương mặt trong trong Top 20 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' năm 2023 tại buổi giao lưu trực tuyến. |
Tìm lời giải cho những vấn đề về y tế trong nước
Mở đầu buổi giao lưu, cả bốn nhân vật đều bày tỏ niềm vui khi là nằm trong Top 20 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' năm 2023 và có mặt trong buổi giao lưu với độc giả online.
Hoàn thành chương trình học Tiến sĩ từ Pháp, anh Phạm Huy Hiệu trở về Việt Nam, với mong muốn được cống hiến và làm việc về lĩnh vực mà mình theo đuổi. Anh Hiệu chia sẻ: “Lĩnh việc nghiên cứu chuyên sâu của mình là trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu và mình đã được đào tạo chuyên sâu tại Việt Nam, tại Pháp, tại Mỹ. Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Pháp, về Việt Nam, mình lại có cơ hội làm tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, thuộc tập đoàn Vingroup. Các lãnh đạo tập đoàn có định hướng phát triển công nghệ phân tích hình ảnh hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh sao cho nhanh và chính xác hơn. Đây là cơ hội để mình có thể tham gia và ứng dụng những gì mà mình học được trong thời gian làm nghiên cứu sinh. Cũng từ đây, con đường nghiên cứu và giảng dạy của mình được định hình cho đến nay”.
TS Phạm Huy Hiệu (giữa) chia sẻ cùng độc giả. |
32 tuổi, TS Phạm Huy Hiệu hiện là giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, trường ĐH VinUni. TS Phạm Huy Hiệu đã công bố 50 bài báo trên tạp chí uy tín và là đồng tác giả hai bài báo xuất sắc (Best Paper Award) tại hội nghị quốc tế. Anh cũng giữ vị trí chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm của 6 đề tài khoa học trong nước, quốc tế. Hai công trình nghiên cứu tiến sĩ tâm đắc nhất thuộc lĩnh vực ứng dụng AI vào chăm sóc sức khỏe, gồm: "Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt" và "Nghiên cứu và xây dựng cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn hỗ trợ mô hình dự đoán sớm bệnh lý".
Hệ thống VAIPE do TS Phạm Huy Hiệu cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois và các cộng sự tại ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển. Giải pháp được đánh giá cao, xuất sắc chiến thắng tại "AI Awards 2022" nhờ chi phí thấp, dễ vận hành, triển khai ở quy mô lớn.
Với dự án "Nghiên cứu và xây dựng cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn hỗ trợ mô hình dự đoán sớm bệnh lý", thực hiện tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata), TS Phạm Huy Hiệu dưới sự dẫn dắt của TS Nguyễn Quý Hà - Giám đốc điều hành Viện, đã công bố 5 bộ dữ liệu lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa, đồng thời mở miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Hiện, bộ dữ liệu đã được các nhóm nghiên cứu trên thế giới trích dẫn hàng nghìn lần để đánh giá hiệu quả của các thuật toán, mô hình thị giác máy tính. "Dự án vừa giải quyết các vấn đề tại Việt Nam, vừa thúc đẩy xu hướng khoa học mở (open science) và dữ liệu mở (open data)", anh cho biết thêm.
TS Phạm Huy Hiệu từng được Giải thưởng Khoa học Quả cầu Vàng năm 2023; Giải thưởng quốc tế 'The ISCN Excellence Awards' dành cho dự án y tế số có đóng góp nổi bật trong phát triển bền vững và Giải thưởng khoa học quốc tế 'The DAAD Fellows 2021' dành nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nói về cơ duyên đưa mình đến con đường khoa học, TS Hà Thị Thanh Hương kể, hồi học THPT, khi đang là học sinh chuyên Sinh, tại trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP. HCM), Hương đã nhiều lần theo chân người thân đi khám tại các bệnh viện tâm thần.
Nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, cô nữ sinh khi ấy nhen nhóm mong muốn cải thiện tình trạng này.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu Brain Health Lab (Phòng Nghiên cứu sức khỏe não bộ) do TS Hà Thị Thanh Hương thành lập tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khỏe não bộ, nhất là các bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam. Điển hình như thiết kế các phương pháp can thiệp giúp hạn chế suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, hay để giảm stress.
TS Hà Thị Thanh Hương (ở giữa) đang chia sẻ cùng độc giả. |
Xuất phát từ việc người thân bị bệnh trầm cảm, nữ tiến sĩ chứng kiến những nỗi đau đớn dày vò do căn bệnh này gây nên. Điều này càng thôi thúc chị nghiên cứu sâu chuyên sâu về thần kinh học, đem các hiểu biết sinh học và kỹ thuật của mình đến với lĩnh vực này.
TS Hà Thị Thanh Hương (35 tuổi) hiện là Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y Sinh, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), được biết đến là nhà khoa học đang theo đuổi các nghiên cứu các giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, trong đó có các nghiên cứu về bệnh Alzheimer.
Gần nhất, TS Hương là một trong 10 gương mặt trẻ nhận Giải thưởng Quả cầu Vàng 2023, với nghiên cứu phần mềm Brain Analytics, phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Phần mềm được các bác sĩ và sinh viên y khoa thuộc 8 bệnh viện khác nhau trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá, 80% hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại.
Khát khao khởi nghiệp, tình nguyện vì cộng đồng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo ở Nghệ An, cuộc sống thiếu thốn cơ sở vật chất và tài chính, nhưng anh Nguyễn Xuân Lục lại có niềm đam mê mãnh liệt với công nghệ thông tin từ nhỏ.
Anh kể lại cơ duyên khởi nghiệp về công nghệ: “Qua báo đài, sách vở, mình đặc biệt yêu thích lĩnh vực công nghệ thông tin. Bố mình là giáo viên nên ông có rất nhiều sách, một số trong đó là sách về khoa học viễn tưởng. Càng đọc, mình càng thích và dần dà niềm đam mê công nghệ đã in sâu vào tiềm thức. Vì vậy mà khi học xong THPT, mình quyết định thi vào mảng công nghệ thông tin”.
Hoài bão mở công ty riêng, kinh doanh về lĩnh vực yêu thích đã được anh nung nấu trong thời sinh viên. Ra trường, anh vào làm việc cho một công ty đa quốc gia, được mở mang kiến thức qua những trải nghiệm với các khách hàng, tập đoàn lớn. Chỉ sau 7 năm, anh đã cảm thấy một niềm thôi thúc đủ lớn để đi đến quyết định khởi nghiệp.
Doanh nhân Nguyễn Xuân Lục (giữa) đang chia sẻ cùng độc giả. |
Hiện nay, Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm WATA đã chinh phục được thị trường toàn cầu, với hơn 70% đối tác là nước ngoài, gồm những thị trường khó tính như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Úc, châu Âu... Tổng doanh thu năm 2023 của công ty đạt 49,48 tỉ đồng.
Trong những năm qua, cá nhân anh và công ty tham gia các hoạt động thiện nguyện và quỹ hỗ trợ trẻ em và người yếu thế, tham gia nhiều buổi chia sẻ về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tại các trường đại học, tham gia nhiều buổi chia sẻ về khởi nghiệp tại các trường đại học; là thành viên Ban Giám khảo cuộc thi đổi mới sáng tạo Techfest Nghệ An các năm 2022 và 2023
Bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng khi mới học lớp 10, 18 tuổi, Lê Văn Phúc đã là thủ lĩnh của 15 dự án thiện nguyện và điều phối nhóm Fly to Sky, với gần 200 thành viên.
Phúc bắt đầu bén duyên với các hoạt động thiện nguyện từ năm lớp 10. Ban đầu là những dự án, kế hoạch nhỏ ở trong lớp, trong khu phố. Những chuyến đi đó đã khiến cậu học sinh thay đổi suy nghĩ về xung quanh. Có quá nhiều người nghèo khổ, những bạn bè đồng trang lứa phải chật vật với cuộc sống hằng ngày. Sinh ra trong một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất từ nhỏ, Phúc thấy mình cần cảm thông, san sẻ và làm điều gì đó cho những người kém may mắn. Tháng 9/2018, Phúc đã tập trung được một số bạn học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chung chí hướng thành lập nhóm từ thiện Fly to Sky.
Sinh viên Lê Văn Phúc (phải) chia sẻ cùng độc giả. |
Phúc là sáng lập viên của Nhóm từ thiện Fly to Sky, hoạt động suốt hơn nửa thập kỷ qua. Anh cũng là Phó Trưởng Ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). Nhóm từ thiện Fly to Sky đã và đang thực hiện hơn 27 dự án cộng đồng, hơn 150 chương trình, chiến dịch ở các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội và môi trường tại Gia Lai và 22 tỉnh, thành phố khác trên cả nước với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng (tính đến tháng 10/2023). Trong đó, nhóm tập hợp hơn 6.700 tình nguyện viên, chủ yếu là học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Bước chân vào lĩnh vực hoạt động xã hội từ năm 16 tuổi cho đến nay, Phúc luôn nghĩ, đơn giản, đây là phụng sự, cống hiến, phục vụ hết mình, với đam mê, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Người trẻ làm được gì?”, tạo môi trường cho người trẻ cùng có đam mê giống mình hiện thực hóa ước mơ, là cầu nối của cộng đồng để thực hiện các dự án, chương trình, chiến dịch, dù là rất nhỏ bé nhưng đều là những niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.
Luôn giữ tinh thần cống hiến vì cộng đồng
Nói về những khó khăn phải trải qua trong lĩnh vực của mình cả bốn gương mặt trẻ cho rằng, khó khăn thì luôn có, thậm chí là có rất nhiều nhưng với sự đam mê và tâm thế sẵn sàng, khó khăn nhiều khi trở thành động lực để tất cả cố gắng hơn, nhằm đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Theo doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Lục, công nghệ thông tin chỉ là một phần chứ không phải là toàn bộ cuộc sống: “Các bạn trẻ không nên chạy theo số đông, hãy nhìn vào bên trong để nhận biết đâu là thế mạnh, sở trường, hoài bão của mình, từ đó xác định hướng đi riêng. Trang bị kĩ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm và dồn toàn tâm toàn ý cho mục tiêu của mình”.
Cũng theo anh Lục, hiện nay, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được đẩy mạnh trên toàn quốc. Nhiều cuộc thi, quỹ khởi nghiệp được triển khai nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. Anh Lục khuyến khích các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp nên tham gia vào các chương trình này và tìm cho mình một điểm tựa vững vàng hay một người cố vấn cùng đồng hành để con đường phía trước bớt khó khăn, rút ngắn thời gian mò mẫm một mình tìm đường.
Bốn gương mặt trong trong Top 20 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' năm 2023 trò chuyện bên lề buổi giao lưu. |
Với TS Phạm Huy Hiệu, anh cho rằng, các bạn trẻ cần quan sát nhiều hơn, cần trau dồi thêm tinh thần dấn thân và cống hiến trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. “Với những bạn trẻ có niềm đam mê với công nghệ thì cần tìm cho mình người định hướng”, TS Phạm Huy Hiệu nói.
Với con đường mình đi và lĩnh vực mình lựa chọn TS Hà Thị Thanh Hương thừa nhận, làm nghiên cứu rất khó, cô khuyên các bạn trẻ hãy xác định rất kỹ ngay từ đầu để cảm thấy hạnh phúc với những cái mình lựa chọn và môi trường mình làm việc, từ đó sẽ biết cách cân bằng cuộc sống và cống hiến cho xã hội bằng lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Cũng theo TS Hà Thị Thanh Hương, cách học hiệu quả nhất cho các bạn trẻ là học từ chính những người xung quanh, học từ chính đồng nghiệp và từ các bạn sinh viên. “Những gì mà mình đã làm có thể chưa thay đổi ngay được bước tranh tổng thể về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam nhưng những đồng nghiệp và những bạn sinh viên của mình có chung niềm đam mê sẽ tiếp tục con đường này”, TS Hà Thị Thanh Hương tin tưởng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Phúc và nhóm từ thiện Fly to Sky cho biết, nhóm sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tình nguyện trong hệ sinh thái mà nhóm đặt ra để giải quyết các mục tiêu. Tùy vào tình hình thực tế của từng thời điểm, nhóm sẽ điều chỉnh, xây dựng bổ sung, đảm bảo các hoạt động phải bền vững, thiết thực, có hiệu quả, giải quyết được các vấn đề tại địa phương.