Sau dịch COVID-19, nhu cầu nhân lực cho ngành y tế rất cao. Theo các chuyên gia tuyển sinh, điều này sẽ tác động ít nhiều đến nhu cầu học và đào tạo ngành này trong mùa tuyển sinh 2022.
Hằng năm, tỷ lệ đăng ký xét tuyển trên chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường khối Sức khỏe luôn nằm trong tốp cao nhất trong các khối ngành đào tạo. Năm 2021, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT, tỷ lệ NV1/chỉ tiêu của khối ngành Sức khỏe là 129,94%, đứng thứ 8 trong top 15 nhóm ngành đại học “hot” nhất năm 2021.
Theo khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD - ĐT) về đánh giá việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành Y – Dược có việc làm cao nhất, lên tới 96,3%. Đây không phải là con số bất ngờ vì nhu cầu nhân lực cho ngành Y tế luôn rất cao, nhất là nhân lực cho các tỉnh.
Nhu cầu nhân lực y tế tăng sẽ tác động đến kế hoạch đào tạo của các trường ĐH? |
Sức hấp dẫn của nhóm ngành sức khỏe là ngay sau khi tốt nghiệp được nhiều cơ sở y tế, bệnh viện nhận vào làm ngay. Đây cũng có thể là động lực lớn, đặc biệt là đối với những thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đa phần thí sinh lựa chọn ngành này do định hướng công việc rõ ràng.
Nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học tăng, tất yếu buộc các trường ĐH phải mở ngành đào tạo. Không chỉ các trường chuyên ngành mà ngay cả các trường không chuyên, các trường khối tư thục cũng mở ngành.
Theo trường ĐH Đại Nam (Bình Dương), lượng hồ sơ xét tuyển vào khối ngành Sức khỏe của trường năm 2021 tăng gấp…10 lần năm 2020.
Giữa tháng 11/2021, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chính thức tuyển sinh bổ sung ngành Hộ sinh, trình độ đại học. Với việc mở ngành Hộ sinh, hiện nay, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 8 ngành đào tạo thuộc khối Sức khỏe gồm: Y khoa, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Dược học; trong đề án tuyển sinh năm 2022, trường tiếp tục đầu tư cho khối ngành này và mở thêm hai ngành là Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng, nâng tổng số ngành học của khối ngành này lên 16 chuyên ngành, nhiều nhất trong hệ thống các trường tư thục có đào tạo khối ngành Sức khoẻ, tính đến thời điểm hiện tại. Trường cũng đầu tư cơ sở 2 tại Đầm Sen là trung tâm nghiên cứu và đào tạo các ngành thuộc khối ngành này với hệ thống 70 phòng thực hành, thí nghiệm.
Sinh viên khối ngành Sức khỏe trường ĐH Công nghệ TP. HCM (HUTECH). |
Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM cũng mở thêm ngành Dược học. Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP. HCM), hiện đang có 3 khoa Y, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xlXét nghiệm y học. Dự kiến, trong năm 2022, trường có thể tăng chỉ tiêu xét tuyển cho các khoa này vì nhu cầu đào tạo nhân lực tăng. Theo trường, kết quả khảo sát trong thời gian dịch bệnh từ cuối tháng Tám đến nay, với sinh viên ngành Dược học và Điều dưỡng đã tốt nghiệp đợt tháng Sáu, tỉ lệ có việc làm ngay đúng chuyên ngành là 87,7%. Đây là con số lý tưởng cho thấy sức hút của các ngành liên quan đến sức khỏe rất cao.
Từ nay đến cuối tháng 12/2021, dự kiến các trường ĐH chuyên ngành sẽ công bố đề án tuyển sinh và dự đoán chỉ tiêu xét tuyển sẽ tăng. Dù điểm chuẩn năm 2021 khá cao nhưng lượng thí sinh xét tuyển sẽ không giảm. Theo khoa Y (ĐHQG TP. HCM) công bố, điểm chuẩn năm 2021 ngành Y khoa, xét điểm thi tốt nghiệp THPT lấy trung bình hơn 9 điểm/môn. Điểm chuẩn xét theo kỳ thi Đánh giá năng lực cũng của ĐHQG TP. HCM cũng từ 996/1.200 điểm.
PGS. TS Vũ Văn Điền – Trưởng khoa Dược, trường ĐH Đại Nam nhận định: “Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, hệ thống y tế và những dịch vụ đi kèm sẽ luôn được quan tâm hàng đầu. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ… ít phải rơi vào tình trạng thất nghiệp như nhiều ngành nghề khác. Vai trò của ngành y tế dù trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.