Tại phiên thảo luận tổ, 206 đại biểu chia làm bốn nhóm nội dung, thảo luận về các chủ đề: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; Vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045.
Thông qua bốn tổ thảo luận, các đại biểu thẳng thắn đề xuất ý kiến, đóng góp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Trong phiên thảo luận “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, các đại biểu tập trung đi sâu tìm các giải pháp phát triển kinh tế với nhiều tham luận như: Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp; bước đầu trong hiện thực hóa tầm nhìn phát triển VN 2045; ứng dụng hạ tầng xanh trong phát triển đô thị bền vững; bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ.
Anh Đồng Quin, tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ lọc hóa dầu khí và nhiên liệu tại trường ĐH Tổng hợp nghiên cứu kỹ thuật quốc gia Irkutsk - Liên bang Nga, đề cập việc phát huy vai trò ngành dầu khí trong phát triển đất nước theo chiến lược phát triển kinh tế 2045: "Đến với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần này, với chủ đề thứ nhất, đề tài của tôi trọng tâm nói về vấn đề vai trò của ngành dầu khí trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp của ngành dầu khí trong ngân sách quốc gia, triển vọng và tầm nhìn phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Từ đó định hướng chiến lược, đưa ra những chính sách phát triển ngành dầu khí quốc gia Việt Nam đến năm 2045".
Anh Ngô Khắc Hoàng, hiện đang là nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Chalmers - Thụy Điển, tham gia thảo luận trực tuyến ở chuyên đề ba, đưa ra đề xuất: "Trong giai đoạn 2021 - 2025, tôi hy vọng Diễn đàn sẽ có những hoạt động chuyên sâu hơn để các trí thức trẻ đóng góp cụ thể vào sự phát triển của đất nước. Sẽ rất tốt nếu chúng ta hình thành được các nhóm nghiên cứu gồm những nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước, xây dựng các đề tài nghiên cứu cần thiết cho Việt Nam, tập trung vào những công nghệ then chốt cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất".
Trong chuyên đề bốn “Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045”, các đại biểu thảo luận một số vấn đề như: Vai trò của trí thức trẻ trong nang cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xây dựng thông qua các dự án hợp tác giữa Việt Nam và thế giới; hỗ trợ việc xuất bản các công trình khoa học quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Chia sẻ về định hướng giá trị của thanh niên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, TS Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho rằng: Chúng ta cần quy hoạch thanh niên di cư cũng như các chính sách an sinh xã hội đặc thù cho đối tượng này; định hướng nghề nghiệp, thiết kế chương trình, nội dung giáo dục, đào tạo cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; có cơ chế, chính sách trong đào tạo nghề, kỹ năng cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp về vốn, các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, TS Nhung cũng cho rằng, các cơ quan, ban, ngành cần quan taam tới tính đa dạng của các loại hình giáo dục, điều kiện học tập giữa thành thị và nông thôn; hỗ trợ việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số và đối tượng là thanh niên yếu thế; nâng cao sức khỏe, thể chất và tinh thần cho thanh niên
Với đại biểu Tô Thị Hương Quỳnh, Giảng viên trường ĐH Xây dựng chỉ ra những giải pháp của tri thức trẻ trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Chị Quỳnh cũng chỉ ra những định hướng khuyến khích trí thức trẻ trong nghiên cứu khoa học đó là: Duy trì và mở rộng các diễn đàn để các Trí thức trẻ có thể chia sẻ những ý tưởng của mình; khuyến khích các vườn ươm công nghệ, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nghiên cứu khoa học; cần nâng cấp việc sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin; đặc biệt là phải có môi trường nghiên cứu lành mạnh.
Chị Tô Thị Hương Quỳnh cũng đề xuất một số giải pháp trong định hướng nghiên cứu cho các trí thức trẻ đó là: cần chủ động trong việc tiếp cận mạng lưới nghiên cứu từ các hội thảo và các nhà khoa học; phát huy điểm mạnh và khắc phục những hạn chế từ nguồn lực dành cho nghiên cứu; chủ động trong tìm kiếm các chương trình nghiên cứu thông qua các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước, hợp tác với các doanh nghiệp.
ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh, nghiên cứu Luật tại Úc chia sẻ, cần thay đổi nhận thức trong việc thúc đẩy đào tạo lớp trí thức trẻ, đặc biệt là trí thức trẻ là nữ.
ThS Cao Thị Hải Vân, tỉnh Quảng Trị, đưa ra giải pháp, mô hình tập hợp, giáo dục thanh niên thông qua mạng xã hội. Chị Vân kiến nghị, thanh niên cần sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức; tăng cường kết nối thông tin qua mạng và cùng phát triển đất nước; nỗ lực xây dựng bản thân trở thành một người tốt để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Qua bốn phiên thảo luận, các trí thức trẻ bày tỏ vai trò và khả năng đóng góp cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn đề xuất ý kiến, đóng góp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Trong đó, câu chuyện giá trị định hướng của cá nhân thanh niên, giáo dục giá trị người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa; bên cạnh các thách thức về định hướng giá trị của trí thức trẻ ở Việt Nam; với người trẻ có cơ hội tiếp xúc và hội nhập quốc tế, các bạn có lựa chọn lập nghiệp tại Việt Nam hoặc nước ngoài; các bạn có thể chọn giải quyết vấn đề của cả khu vực/ nhân loại chứ không riêng gì Việt Nam. Vì vậy, chúng ta định hướng chứ không áp đặt người trẻ trong việc lựa chọn công việc của mình.