“Bác sĩ gia đình” của ĐHQG TP. HCM
“Bác sĩ gia đình” là chương trình do Công đoàn ĐHQG TP. HCM triển khai hỗ trợ cho cán bộ, viên chức và người thân thuộc diện F0, F1 tại nhà, chính thức hoạt động từ hôm nay.
ThS Phùng Quán - Phó Chủ tịch Công đoàn ĐHQG TP. HCM cho biết, cách thức hoạt động của chương trình là tư vấn trực tiếp 1 - 1 theo mô hình Bác sĩ gia đình, mỗi gia đình có F0, F1 có 1 Bác sĩ phụ trách riêng. Mỗi bác sĩ và gia đình có F0, F1 sau khi được Công đoàn ghép 1 - 1 với nhau thì tự lập group Zalo kết nối riêng với nhau. Việc tư vấn trực tiếp 1 - 1 này sẽ thực hiện kéo dài cho đến khi bác sĩ thấy tình trạng F0, F1 đã ổn, thời gian tư vấn kéo dài 7 - 14 ngày tùy theo mức độ bệnh.
Sinh viên trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chuẩn bị cho công tác hỗ trợ phòng dịch. |
Trong mỗi nhóm này, bác sĩ và gia đình sẽ trao đổi thông qua gọi điện thoại trực tiếp hoặc chat theo khung thời gian quy định, qua nhóm Zalo riêng. Việc tư vấn 1 - 1 này sẽ thực hiện kéo dài cho đến khi tình trạng sức khỏe ổn định thì chấm dứt kết nối.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ xa thông qua việc mô tả của bệnh nhân hoặc người tiếp xúc gần. Từ đó sẽ hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc và sử dụng thuốc phù hợp. BS không thực hiện: Bảo lãnh hay giới thiệu đi tiêm ngừa vắc xin, ko nhận mua hộ thuốc hay các dụng cụ y tế.
Đều đặn mỗi ngày sẽ có 2 khung giờ để bác sĩ tư vấn (10h - 12h, 15h - 17h). Ngoài 2 khung giờ cố định trong ngày, bệnh nhân vẫn có thể gọi bác sĩ trong các trường hợp khẩn cấp.
Để thực hiện chương trình này, ĐHQG TP. HCM đã huy động sự cộng tác từ các y bác sĩ đang là giảng viên tại Khoa Y (ĐHQG TP. HCM) và cũng đang công tác tại các bệnh viện tại TP. HCM
Không chỉ hỗ trợ điều trị, thạc sĩ Phùng Quán, cho biết một trường thành viên ĐHQG TP. HCM còn dự kiến triển khai chương trình tư vấn tâm lý cho người lao động, học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch còn phức tạp và kéo dài.
Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) cung cấp “Vắc xin tinh thần”
“Vắc xin tinh thần” - Chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại TP. HCM do trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) chính thức triển khai từ ngày 5/9/2021.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học của trường vào tháng 8/2021 cho thấy, tại Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng/stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý. Người dân đứng trước hai nỗi sợ mất mát, về an sinh xã hội.
Lực lượng sinh viên y khoa tình nguyện tham gia lấy mẫu tại một khu dân cư ở TP. HCM. |
Bệnh nhân, nhân viên y tế, thân nhân, người lao động và học sinh, sinh viên (HSSV) là những nhóm dễ chịu tổn thương bởi COVID-19, có nhu cầu được hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần. Bên cạnh vắc xin phòng ngừa COVID-19, người dân, đặc biệt tại TP. HCM, rất cần một “mũi vắc xin tinh thần” để gia tăng sức đề kháng cơ thể và tinh thần trước sự tấn công của đại dịch.
Theo ThS Trần Nam – Trưởng Phòng truyền thông và Hợp tác doanh nghiệp của trường, “Vắc xin tinh thần” là chương trình phi lợi nhuận của trường với tham gia của đội ngũ chuyên gia đa ngành và sự đồng hành của các đơn vị. Chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn biến của dịch. Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, Nhà trường đề xuất Chương trình có 3 nội dung hoạt động chính gồm: phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần cho người dân; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.
Giảng viên, sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chăm sóc F0
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã đưa vào hoạt động mô hình “Tổ y tế từ xa” hỗ trợ chăm sóc F0 đang cách ly tại nhà.
PGS. TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường hợp F1 và F0 tăng cao, bệnh viện và khu cách ly quá tải khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị và chăm sóc sức khỏe. Thấu hiểu sự khó khăn của ngành và người dân, trường huy động giảng viên và sinh viên tham gia góp sức cùng thành phố.
Bác sĩ của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thuộc "Tổ y tế từ xa" tham vấn cho bệnh nhân. |
"Tổ Y tế từ xa" của trường sẽ chăm sóc và theo dõi sức khỏe trong suốt thời gian điều trị tại nhà. Tổng đài hiện có hơn 700 nhân viên y tế gồm chuyên gia, bác sĩ, giảng viên và sinh viên y khoa năm cuối của trường) trực tiếp tư vấn trong 3 khung giờ 8h - 10h, 14h - 16h và 18h - 20h. Đây sẽ là tổng đài tư vấn chăm sóc và điều trị F0 bệnh nhẹ đầu tiên có quy mô lớn nhất và phủ khắp địa bàn TP. HCM.
Trước đó, từ đầu tháng Tám, mô hình này đã triển khai chạy thử và đến nay hỗ trợ được hơn 500 ca bệnh. Hệ thống này ước tính sẽ tiếp nhận và hỗ trợ thêm được nhiều bệnh nhân sau khi được kết nối với UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức