Các trường xây kịch bản ứng phó với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Các trường xây kịch bản ứng phó với COVID-19
SVVN - Để đảm bảo an toàn trong kế hoạch dạy tập trung trở lại, nhiều trường ĐH đã gấp rút xây dựng kế hoạch ứng phó COVID-19 trong trường hợp phát hiện các ca nhiễm.

PGS. TS Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đã ký ban hành kế hoạch phòng chống dịch và phương án xử lý khi có các trường hợp mắc COVID-19.

Tọa lạc tại KP6 Linh Trung (TP. Thủ Đức), theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Bình Dương vào cuối tháng 10/2021 (trường nằm trong khu vực giáp ranh, thuộc Khu đô thị ĐHQG TP. HCM), trường thuộc vùng nguy cơ cấp độ 3 (vùng cam). Còn theo phân loại của UBND TP. HCM, trường thuộc vùng nguy cơ cấp độ 1 (vùng xanh). Hiện tại, trường có một cán bộ y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn Bác sĩ. Theo kế hoạch, trường bố trí phòng cách ly y tế tạm thời tại tầng trệt, có phân luồng lối đi riêng, đồng thời dựng các điểm kiểm soát thân nhiệt, điểm quét mã QR tại các cổng ra vào các tòa nhà. Khu vực giao nhận tài liệu, hồ sơ, văn phòng phẩm, vật tư, thiết bị cũng được bố trí riêng biệt gần cửa ra vào của trường. Trong trường hợp cần thiết, trường sẽ lắp đặt camera giám sát thực hiện và hỗ trợ truy vết tại khu vực tập trung đông người: Căng tin, bãi giữ xe, cầu thang máy, phòng cách ly y tế tạm thời…

Các trường xây kịch bản ứng phó với COVID-19 ảnh 1

Sinh viên tại KTX ĐHQG TP. HCM được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo kế hoạch này, người lao động và khách đến làm việc tại trường đều phải khai báo y tế. Nếu người khai có tiếp xúc với F0 trong vòng 14 ngày qua hoặc có các triệu chứng (ho, sốt, sổ mũi...) sẽ được hướng dẫn đưa vào phòng cách ly y tế tạm thời và báo cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc cán bộ y tế của trường.

Đặc biệt, khi phát hiện có các trường hợp F0 tại trường thông qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh các trường hợp F1 và trường hợp nghi ngờ, trường sẽ kích hoạt phương án phòng chống và thông báo với cơ quan y tế địa phương.

Hiệu trưởng, trên cơ sở ý kiến của cơ quan chuyên môn, sẽ ra quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ trường hoặc từng khu vực. Các trường hợp F0 không được tự ý di chuyển để chờ hướng dẫn di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời. Khoanh vùng và khử khuẩn toàn bộ khu vực liên quan. Phân nhóm và bố trí riêng khu vực cho các trường hợp F1, F2 để chuẩn bị cho cách ly y tế. Sau khi thực hiện vệ sinh khử khuẩn, trường có thể tiếp tục hoạt động bình thường kể từ ngày hôm sau.

Ngoài trường ĐH Quốc tế, hiện nhiều trường ĐH, CĐ tại TP. HCM đã xây dựng kế hoạch xử lý khá bài bản trong trường hợp phát hiện các trường hợp mắc COVID-19. Sự chủ động này nhằm thích ứng trong bối cảnh sẽ tổ chức cho sinh viên học tập trung trong thời gian tới.

Các trường xây kịch bản ứng phó với COVID-19 ảnh 2

Sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại Bình Thạnh (TP. HCM).

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, theo kế hoạch, sẽ bắt đầu học kỳ I năm học này từ ngày 15/11 với sinh viên năm thứ nhất và từ 29/11 với các sinh viên còn lại. Riêng với các sinh viên thực tập lâm sàng tại các cơ sở y tế sẽ làm việc trực tiếp. Trường cũng xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp phát hiện các ca nhiễm.

Theo đó, ngoài việc khai báo y tế và đo thân nhiệt tại cổng, trong quá trình dạy và học, các trường hợp bị nghi ngờ nhiễm sẽ được đề nghị xét nghiệm ngay tại trường. Là đơn vị đào tạo chuyên môn, hiện tại, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có phòng khám đa khoa ngay tại trường, sẽ được phân công thực hiện xét nghiệm. Trong trường hợp có ca dương tính, phòng khám sẽ thực hiện cách ly y tế và hướng dẫn xử trí các bước tiếp theo.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM từ đầu tháng Mười Một đã tổ chức cho sinh viên học thực hành theo cách xét duyệt đơn đăng ký. Mỗi ngày, trường có khoảng 200 sinh viên và giảng viên sử dụng các phòng thí nghiệm.

Để đảm bảo an toàn, trường xây dựng kế hoạch ứng phó theo cách chỉ bố trí tối đa 8 sinh viên/ phòng. PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kế hoạch ứng phó, trường bố trí một bác sĩ và một y tá túc trực tại trường.

Các trường xây kịch bản ứng phó với COVID-19 ảnh 3

Sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM thực hành tại trường.

Phòng Y tế của trường được trang bị kit test nhanh và các phương tiện phục vụ xét nghiệm, lấy mẫu. Nếu phát hiện có ca nghi nhiễm, đội ngũ y tế sẽ xử trí nhanh và thực hiện cách ly y tế.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết: “Trước đây, 30 sinh viên thực hành cùng lúc thì bây giờ chỉ 6 - 8 bạn, kéo theo đó là cơ sở vật chất phải nhiều hơn, thời gian hướng dẫn của giảng viên sẽ nhiều hơn và kéo dài. Dù tốn kém hơn nhưng trường sẽ luôn hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để sinh viên hoàn thành các học phần thực hành”.

Tương tự, trường ĐH Y Dược TP. HCM có kế hoạch dự kiến cho sinh viên thi học kỳ và thực hành tại trường vào giữa tháng này. Nếu mọi việc thuận lợi, trường sẽ cho học tập trung từ cuối tháng. Để đảm bảo an toàn khi đón sinh viên quay lại học, trường cũng có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các trường hợp nghi nhiễm.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm không gian thực hành, nghiên cứu khoa học 'triệu đô' tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)

Trải nghiệm không gian thực hành, nghiên cứu khoa học 'triệu đô' tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)

SVVN - Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) có hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành "triệu đô" dành cho sinh viên. Cùng chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong tới trải nghiệm không gian được ví là "thiên đường" nghiên cứu dành cho sinh viên.
Điểm chuẩn ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) vẫn thuộc tốp cao nhất

Điểm chuẩn ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) vẫn thuộc tốp cao nhất

SVVN - Hội đồng tuyển sinh trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển có điều kiện các phương thức xét tuyển sớm đại học chính quy năm 2024. Đứng đầu trong số này là Truyền thông Đa phương tiện, có điểm chuẩn bằng phương thức xét điểm Đánh giá năng lực, với 963 điểm.