Cái chết của Nhân tính

Cái chết của Nhân tính
SVVN - Lazarescu là một lão già nghiện rượu, hôi hám, sống một mình cùng ba con mèo ở thành phố Bucharest, Rumani. Một ngày nọ, lão bị đau đầu nặng và buộc phải gọi xe cấp cứu. Lão không biết mình sắp bước vào hành trình cuối của cuộc đời...

Một đêm dài

Đêm định mệnh của Lazarescu mở đầu bằng một cảnh rất dài. Lão đau đầu đã bốn ngày nay và sau bao thủ tục rườm rà qua điện thoại, xe cấp cứu vẫn không đến. Lazarescu buộc phải dùng rượu và thuốc giảm đau để cầm cự. Khi không chịu đựng nổi nữa, lão lết sang nhờ cặp vợ chồng hàng xóm giúp đỡ. Họ cằn nhằn về tật nghiện rượu của lão nhưng vẫn gọi giúp lão một chiếc xe cấp cứu.

Trường đoạn mở đầu dài đến mức lê thê, dễ khiến người xem sốt ruột. Vì thế, khi cô y tá Mioara (Luminiţa Gheorghiu) xuất hiện ở cửa nhà, cô giống hệt một thiên thần. Chúng ta sẽ sớm biết rằng, Mioara chính xác là thiên thần hộ mệnh của Lazarescu trong một đêm đằng đẵng sắp tới. Khi ông lão tội nghiệp chết dần chết mòn trên băng ca, lê thân từ bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng luôn bị các bác sĩ từ chối tiếp nhận, trong một hệ thống y tế chính xác, khoa học nhưng thiếu vắng tình người.

Ý tưởng của The Death of Mr. Larazescu được hình thành trong khoảng thời gian khủng hoảng của đạo diễn Cristi Puiu. Khoảng năm 2001, vị đạo diễn độc lập hàng đầu Rumani bị chứng sợ hãi quá mức hành hạ. Ông tin rằng, mình mắc phải bệnh nặng, sắp chết và liên tục cầu cứu hệ thống y tế trong nước. Trong vòng 2 năm, nỗi sợ khiến ông phải đọc rất nhiều tài liệu y tế, cũng như lao tới hết phòng khám này đến bệnh viện khác. Nhờ đó, ông lờ mờ nhận thấy những vết nứt đạo đức trong hệ thống khám chữa bệnh Rumani.

Đẳng cấp cao

Hành trình đi đến cái chết của “ngài” Larazescu không hề buồn ngủ như trường đoạn đầu phim. Dùng máy quay cầm tay để biến khung hình trở thành “đôi mắt”, đạo diễn Puiu đưa người xem qua hơn 2 giờ đồng hồ đầy kịch tính. Người xem sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm bởi những đợt sóng cảm xúc, hồi hộp lo âu, cảm động... Nhưng chủ đạo nhất là căm phẫn. Nói như một nhà bình luận ngước ngoài, Mr. Larazescu không kể một câu chuyện giải cứu ở các bệnh viện, mà kể về các bệnh viện thông qua câu chuyện giải cứu.

Giống như anh em nhà Dardenne của Bỉ, đạo diễn Cristi Puiu tiết giảm tối đa kỹ xảo, sử dụng tối đa kỹ thuật trong cách dẫn truyện. Mới đầu, độ rung của khung hình có thể gây đôi chút khó chịu nhưng khi đã quen, người xem sẽ phải ngạc nhiên với sức mạnh của kỹ thuật quay phim cầm tay ở đẳng cấp cao. Mr. Larazescu là tập hợp của của rất nhiều cảnh dài, có khi lên đến 5 phút, bất chấp bối cảnh phức tạp như bệnh viện. Rất nhiều lần, Puiu cho phép khung hình lia ra sang hai bên ở những chi tiết phụ, để tăng độ chi tiết cho bức tranh nhớp nháp, lộn xộn, đầy áp lực ở các bệnh viện Rumani. Nơi mà các bệnh nhân bị đối xử như những đồ vật, hay thậm chí là thú vật, không phải con người.

Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng, tất cả diễn viên phụ trong phim đều không phải bác sĩ hay y tá thật. Họ hiện lên trên phim rất thật, như thể trong một phim tài liệu. Dù xuất hiện nhiều hay ít, mỗi vị bác sĩ đều có tính cách, màu sắc riêng nhưng lại phổ quát đến mức ta có thể đã bắt gặp đôi lần trong đời. Một ông trưởng khoa kẻ cả, hách dịch với cả bệnh nhân và cấp dưới. Một tay bác sĩ trẻ chụp CT nhai kẹo cao su khi làm việc, thích châm biếm người khác. Một gã bác sĩ phẫu thuật ngại trách nhiệm đến mức vô cảm... Có hàng tá chân dung sống động như thế trong phim, nhờ vào tài năng của dàn diễn viên phụ.

Cái chết của Nhân tính

Cái chết của ai?

Lão già Larazescu, vốn mất dần ý thức khi phim trôi đi, không phải nhân vật chính. Nhân vật chính của phim là tất cả những ai ngoài lão, những bác sĩ, y tá, nhân viên bảo vệ, bệnh nhân... trong chuyến đi sinh tử ấy. Tất cả đều làm đúng chức trách, nhiệm vụ nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu được bệnh nhân, vì không ai thật sự quan tâm. Có rất nhiều chi tiết đắt giá trong phim nhưng gây choáng váng, nhất là khi tay bác sĩ từ chối phẫu thuật cho Larazescu, vì ông đã loạn trí và không thể ký giấy miễn trừ trách nhiệm. “Vậy cô có thể chở ông ta đi vòng vòng”, tay bác sĩ nói với Mioara. “Khi nào ông ta bất tỉnh thì mang về đây, tôi mổ”.

Chủ đề hiện thực của Mr. Larazescu là về sự vô cảm của xã hội hiện đại. Và không ở đâu sự vô cảm khiến chúng ta sợ hãi bằng ở bệnh viện, khi nó ăn mòn trái tim những con người quyết định sinh mạng người khác. Một xã hội đã vận hành thế nào để dẫn đến hậu quả này? Cái chết của Larazescu sẽ bị quên lãng, bởi ông chỉ là một con người nhỏ bé, vô danh nhưng có thể là khởi đầu cho cái chết của một hệ thống. Giá trị hiện thực mạnh mẽ của Mr. Larazescu nằm ở chỗ, ta có thể nhìn thấy Larazescu ở bất kỳ đâu, không chỉ đất nước Rumani xa xôi.

Tất nhiên, The Death of Mr. Larazescu là một tác phẩm nghệ thuật, không phải báo chí. Ngoài chất hiện thực nhức nhối, bộ phim vẫn mang đến những mảnh nhỏ bé nhưng lấp lánh của hy vọng. Phim vẫn xuất hiện những người tốt, dù nhỏ bé và thầm lặng, như cô y tá Mioara, được vào vai tuyệt vời bởi Luminiţa Gheorghiu. Bất chấp lời sỉ nhục của các bác sĩ, Mioara không bỏ cuộc để đưa lão Larazescu đến bệnh viện. Công việc của cô là đưa bệnh nhân đến bệnh viện, ý nghĩa đời cô là ở đó. Mioara có thể không cứu được Larazescu nhưng cứu rỗi được niềm tin của người xem vào tình người. Ở đâu có niềm tin, ở đó có hy vọng. Ở đâu có hy vọng, ở đó có tương lai.

Phim được quay trong 39 đêm, ở nhiều bệnh viện khác nhau tại thành phố Bucharest, Rumani. Đây là phim đầu tiên trong tuyển tập 6 phim về thành phố Bucharest của đạo diễn Cristi Puiu. Năm 2017, The Death of Mr. Larazescu xếp thứ năm trong danh sách “25 phim hay nhất thế kỷ 21” do tạp chí New York Times bình chọn.

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 43
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Á hậu Phương Anh: ‘Chỉ cần mình cố gắng thì cuộc đời sẽ trả lại cho mình kết quả bằng cách khác’

Á hậu Phương Anh: ‘Chỉ cần mình cố gắng thì cuộc đời sẽ trả lại cho mình kết quả bằng cách khác’

SVVN - Cùng có mặt tại trường ĐH Văn hóa TP. HCM tham dự chương trình tuyển sinh 'Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024', Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Phạm Ngọc Phương Anh và người đẹp Nguyễn Vĩnh Hà Phương đã có cuộc trao đổi cùng các sinh viên trong talk show, với chủ đề 'Giữa dòng dư luận'.