Thị trường nội thất tỉ đô, ngành đào tạo nội thất vẫn không “hot”?
Ngành nội thất Việt Nam đã cán mốc 4 tỉ USA giá trị nhập khẩu, và đạt 7,2 tỉ USD tại thị trường châu Âu. Theo báo cáo về thị trường nội thất Việt Nam được thực hiện bởi EVBN, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và thứ 4 thế giới về xuất khẩu nội thất. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội thất tại nước ta đã có hơn 700 đơn vị, chưa kể, các thương hiệu nước ngoài hiện nay đánh giá rất cao tiềm năng ngành nội thất Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp cho ngành này là vô cùng lớn. Tuy nhiên, ngành đào tạo lĩnh vực nội thất vẫn gần như “vô hình” trong danh sách các ngành học được sv, học sinh lựa chọn hàng đầu. Thậm chí, theo thống kê từ các trường Đh, trong nhiều năm gần đây, tuyển sinh rất khó, nhiều lớp học chưa được đến 10 người. Một trong những lí do dẫn đến điều này, chính là ở việc dư luận không đánh giá được tiềm năng của ngành còn sv vẫn lo sợ về cơ hội nghề nghiệp.
Một đích đến – Nhiều hành trình: Sáng tạo có phải là điều kiện tiên quyết trong thiết kế nội thất?
Buổi tọa đàm Id.talk#1 định hướng nghề nghiệp đầu tiên dành riêng cho các bạn sv nội thất, đã khởi động chuỗi hoạt động off-line của Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà thiết kế nội thất trẻ, mở ra một cánh cửa mới, với nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực nội thất có thêm niềm tin vào sự lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của chính mình, đồng thời, giới thiệu một “mảnh đất” đầy tiềm năng cho các bạn trẻ khi lựa chọn trường đại học.
Tại sự kiện, KTS Lê Trương – Founder của TT-As , một trong mười công ty thiết kế - xây dựng hàng đầu tại Việt Nam khẳng định: “Người làm mảng sáng tạo trong thiết kế chỉ chiếm 0,5% tổng khối lượng công việc của ngành kiến trúc – nội thất”. Thậm chí, chính sự sáng tạo, bay bổng lại trở thành con dao hai lưỡi, làm giảm đi chất lượng công việc của người làm trong lĩnh vực này. Đó là quan điểm của Giám đốc Đỗ Văn Chương – Eleganz Furniture khi chỉ ra một thực tế rằng, rất nhiều người trẻ thiếu tính kỉ luật và sự nghiêm túc trong công việc, khiến cho chất lượng công việc bị suy giảm, chỉ bởi vì họ “quá bay”.
Thay vào đó, người tốt nghiệp ngành nội thất có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác để phù hợp với khả năng, đam mê của mỗi người như nghiên cứu, thiết kế thi công, hoặc làm kinh doanh với thu nhập rất cao, mà không hề lo thiếu “đất diễn”.
Xóa bỏ định kiến, phát triển bản thân
Hơn một lần trong buổi tọa đàm “Một đích đến – Nhiều hành trình” các bạn sinh viên và cả người mới đi làm đặt câu hỏi “nên làm gì” “cần những gì”,… Kết thúc sự kiên, sau gần 20 câu hỏi, nhận được hơn 30 lời giải đáp từ 4 vị chuyên gia, điều mà người tham dự rút ra được, chính là “tạm gác lại những định kiến, hay lo phiền không cần thiết”, thay vào đó, hãy học hỏi, đọc sách nhiều hơn để phát triển khả năng hội họa, thẩm mĩ, thậm chí học cả về âm nhạc, thay vì nuông chiều bản thân với công việc freelance “việc nhẹ, lương cao” thì hãy cho mình một cơ hội trở thành một mắt xích trong những doanh nghiệp, để học hỏi và nâng cao các kĩ năng chuyên ngành và giao tiếp xã hội (Nhà thiết kế nội thất – Lê Đỗ Huyền Trang). Đặc biệt là chia sẻ tâm đắc của bà Hoàng Thái Ly, founder R.Design JSC, với vai trò vừa điều phối vừa là diễn giả dành cho các bạn trẻ “đừng ngại thử, vì bạn sẽ không thể thành công chỉ từ việc học từ kinh nghiệm của người khác”.