Bên cạnh dàn diễn viên chính, nghệ sĩ Đức Khuê là mảnh ghép quan trọng dẫn dắt mâu thuẫn, tăng kịch tính trong câu chuyện phim. Ở tuổi U60, nghệ sĩ gạo cội hào hứng với dự án mang màu sắc tâm linh - kinh dị, thử sức với cảnh phim mang tính hành động.
![]() |
Nhân vật của Đức Khuê là ông Phúc, anh cả trong gia đình ông Danh (Mạc Văn Khoa đóng). Nghệ sĩ cho biết, khi được nhà sản xuất ngỏ lời mời vào vai, điều đầu tiên anh làm là đặt câu hỏi về câu chuyện phim. Bởi với anh, kịch bản là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định lựa chọn một dự án.
![]() |
Thể hiện vai ông Phúc, Đức Khuê đồng ý nuôi râu theo gợi ý của nhà sản xuất. Anh kể về kỷ niệm đáng nhớ này: “Người nhà bảo tôi già đi chục tuổi. Nghe thế, tôi thấy hay hay, vì được khác Đức Khuê lâu nay”. Anh thích thú khi mặc các bộ đồ lụa được may khéo léo và quay phim trong căn nhà cổ hơn 100 năm tuổi, kiến trúc Pháp ở vùng quê yên bình, với ruộng đồng bát ngát của tỉnh Long An.
![]() |
Theo tiết lộ của nghệ sĩ gốc Bắc này, điểm nhấn của nhân vật ông Phúc trong phim là cảnh quay xô xát khốc liệt với em trai là ông Danh (Mạc Văn Khoa đóng). Đức Khuê cho biết, nhờ kinh nghiệm đóng các cảnh nhào lộn, đấm đá, lăn lê, trườn bò… cả trên sân khấu và trong các phim lúc trước, anh không thấy áp lực với phân đoạn này.
![]() |
Chỉ mất một buổi tập cùng đạo diễn võ thuật, anh đã có thể sẵn sàng bước vào cảnh quay.
![]() |
Đức Khuê kể: “Có lẽ, do lúc đó quá nhập vai, Khoa không còn thấy đau đớn gì. Nhưng về nhà, bạn ấy sẽ thấy đau đấy”. Lần đầu làm việc cùng Mạc Văn Khoa và Phương Thanh (vai nữ chính Lan), nghệ sĩ Đức Khuê dành cho hai diễn viên trẻ nhiều thiện cảm.
![]() |
Đã 7 - 8 năm, nghệ sĩ Đức Khuê mới có thêm phim điện ảnh sau các dự án Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ... Anh quan niệm, dù vai lớn hay nhỏ cũng đều là dấu ấn trong sự nghiệp.
![]() |
Nghệ sĩ Đức Khuê tên thật là Nguyễn Đức Khuê, sinh năm 1968 tại Hà Nội, là gương mặt quen thuộc của sân khấu phía Bắc, đặc biệt nổi bật trong chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm. Anh từng là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi anh gắn bó hàng chục năm với vai trò diễn viên chính kịch, hài kịch và cả đạo diễn.
![]() |
Út Lan: Oán linh giữ của lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian “ma giữ của”, một khái niệm phổ biến trong đời sống tâm linh của người miền Tây. Việc đưa chất liệu truyền thuyết dân gian vào điện ảnh không chỉ góp phần tạo chiều sâu cho kịch bản, mà còn gợi lên nỗi ám ảnh mang tính bản sắc Việt - nơi ranh giới giữa tâm linh và đời thực luôn mờ nhòe và hấp dẫn.