Chuyên gia khảo thí hướng dẫn làm bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Ngày 14/3, Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội công bố đề thi tham khảo (đề thi mẫu) của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh trung học phổ thông (THPT), GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội đã trao đổi về cách thức làm bài thi sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Thưa ông, Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội đã công bố đề thi mẫu bài thi (ĐGNL) học sinh trung học phổ thông (THPT), ông có nhận xét gì và ý nghĩa của đề thi mẫu đối với thí sinh ra sao?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đầu tiên tôi xin lưu ý là bài thi ĐGNL học sinh THPT của ĐHQG Hà Nội hướng tới đa mục đích nên đề thi tham khảo không chỉ hữu ích với thí sinh dự thi mà còn là thông tin quan trọng đối với các đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi. Bài thi gồm 3 phần:  Phần 1 - Tư duy định lượng (toán học, thống kế và xử lý số liệu), Phần 2 - Tư duy định tính (văn học/ngôn ngữ), Phần 3 - Khoa học (Tự nhiên – Xã hội).

Chuyên gia khảo thí hướng dẫn làm bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội ảnh 1 GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội.

Ngay sau khi công bố đề tham khảo, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của thí sinh, thầy cô giáo. Tôi xin phép không được bình luận gì thêm về đề thi mà muốn lắng nghe từ phía các bạn thí sinh, các chuyên gia, các thầy cô giáo nhận xét đánh giá sẽ khách quan hơn.

Với bất kỳ cuộc thi nào, đề thi tham khảo giúp các bạn làm quen với dạng thức bài thi, bố cục từng phần, cách thức trả lời câu hỏi để không bị bỡ ngỡ khi làm bài thi chính thức. Thí sinh hiểu đúng và đủ phần hướng làm bài sẽ hoàn thành tốt bài thi, xây dựng cách làm bài để đạt kết quả cao. Phần hướng dẫn của đề tham khảo và bài thi chính thức là gần như nhau nên các bạn hãy đọc phần hướng dẫn một cách cẩn thận khi làm thử bài tham khảo trước ngày thi. Như thế, thí sinh sẽ quen bố cục bài thi, tự rút kinh nghiệm và đề ra phương pháp làm bài để đạt kết quả tốt nhất. 

Đối với các đơn vị sử dụng kết quả thi ĐGNL, đề thi tham khảo cho thông tin về nội dung kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, độ khó, độ phân hóa, tính toàn diện, nhóm năng lực cần xác định để sử dụng thích hợp.

Bài thi ĐGNL học sinh THPT của ĐHQG Hà Nội thực hiện thi trên máy tính, đề thi tham khảo hiện tại là bản trên giấy? Vậy thí sinh có gặp khó khăn gì khi thao tác trên máy tính làm bài thi chính thức hay không?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo: Ngày 14/3, Trung tâm Khảo thí đã công bố đề thi tham khảo trên giấy. Hiện nay, Trung tâm Khảo thí đang cập nhật phiên bản mới phần mềm làm bài thi tham khảo trực tuyến và sẽ triển khai để thí sinh làm bài trước ngày 24/3, tại cổng thông tin khaothi.vnu.edu.vn. Thí sinh sẽ làm bài tham khảo trên máy tính, điện thoại thông minh… có kết nối internet. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng: Giao diện, bố cục, hình thức, mầu sắc, trình tự, thời gian, chú thích… của đề thi tham khảo hiển thị trên giấy cũng như trên màn hình máy tính là gần như nhau. Thao tác làm bài thi trên máy tính cũng rất đơn giản. Tất cả các thí sinh đã từng làm quen với máy tính, bàn phím đều có thể hoàn thành các thao tác thi trên máy tính. Trường hợp thí sinh chưa bao giờ sử dụng máy tính, chúng tôi khuyến nghị các bạn nên làm bài thi tham khảo trên máy tính ít nhất 1 lần trước ngày thi chính thức để quen với vị trí các ký tự trên bàn phím. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian khi làm bài thi.

Xin ông cho biết lợi ích của thí sinh khi làm đề thi mẫu ĐGNL học sinh THPT?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi ĐGNL học sinh THPT của ĐHQGHN nhằm đánh giá 3 nhóm năng lực chính, kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập. Các câu hỏi được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao, có câu hỏi vận dụng ở mức độ trung bình đến khó. Do đó, học lệch hay học tủ, thậm chí “học gạo” không phải là cách tốt nhất để đạt điểm thi cao. Cách thức đơn giản nhất là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Trong những năm tới, Trung tâm Khảo thí sẽ cung cấp thêm một số đề thi tham khảo bên cạnh việc bổ sung liên tục các câu hỏi mới vào ngân hàng đề. Việc làm thử đề thi tham khảo giúp thí sinh quen cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chưa nắm rõ, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi và kiểm soát tiến trình làm bài để lựa chọn đáp án thích hợp nhất, giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức.

Theo như dạng thức bài thi ĐGNL học sinh THPT đã công bố, đa phần câu hỏi thi được thiết kế là câu hỏi trắc nghiệm chọn đáp áp. Ông có lời khuyên gì khi thí sinh làm các câu hỏi thi trắc nghiệm bài thi ĐGNL học sinh THPT?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo: Đối với bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng là thí sinh phải kiểm soát thời gian làm bài thật tốt bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hiểu hướng dẫn từng phần, từng câu hỏi trước khi quyết định lựa chọn đáp án. Với mỗi phần, hãy tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn bằng cách làm bài thi tham khảo, sau đó học sinh có thể phân chia thời gian làm bài của từng phần theo số câu hỏi của phần đó để biết thời gian cần thiết phải hoàn thành tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, hãy tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để kịp xem lại toàn bộ các câu hỏi trong một phần, làm lại các câu hỏi thí sinh cảm thấy khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp. Các bạn cũng lưu ý là đề thi không sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó mà bố cục theo lĩnh vực có tính liên ngành, một cố câu hỏi tích hợp các ngành. Do đó, nếu thí sinh gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm tiếp câu hỏi tiếp theo sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian. 

Một lưu ý quan trọng là điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì thế thí sinh hãy cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần. Nếu còn thời gian sau khi đã hoàn thành 1 phần, đừng vội chuyển sang hợp phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời mà thí sinh chưa thật sự chắc chắn trong phần đó. Thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đã hết.

Như ông nói, thí sinh đang làm bài ở phần 2 không thể quay lại câu hỏi ở phần 1 (đã kết thúc) mà chỉ được quay lại làm lại các câu hỏi trong cùng 1 phần (2). Với bài thi ĐGNL gồm 3 phần thì trình tự thí sinh làm bài ra sao để đạt kết quả cao nhất thưa Giáo sư?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi gồm 3 phần: Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút), Khoa học (60 phút). Trước khi bắt đầu mỗi phần, thí sinh hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời. Thông thường thí sinh hay có một chút bối rối ở phần định tính. Với phần thi này, các câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học, ngôn ngữ nên hãy đọc và xem xét tất cả các câu trả lời, vận dụng kiến thức, kỹ năng và tư duy theo hướng chọn đáp án cảm thấy phù hợp nhất với câu hỏi. Ngược lại, các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên thì phải tìm câu trả lời chính xác. Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà cảm thấy đúng nhất. Nếu không tìm thấy đáp án như tính toán, hãy đọc lại câu hỏi và xem xét lại tất cả các đáp án.

Chuyên gia khảo thí hướng dẫn làm bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội ảnh 2 Phòng thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội.

Điều quan trọng ở đây là thí sinh phải hiểu chính xác câu hỏi đang hỏi điều gì. Một số câu hỏi đòi hỏi người dự thi phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng hay đáp án phù hợp nhất trong khi cũng có các câu hỏi dễ nhận ra đáp án thì cần phải làm nhanh. Với các câu hỏi dễ, hãy kết thúc nhanh để giành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Sau khi hoàn thành câu hỏi dễ, hãy quay lại kiểm tra các câu hỏi khó trước khi chuyển sang làm phần tiếp theo.

Khi thí sinh trở lại với câu hỏi khó, hãy phát huy tư duy logic để loại bỏ những đáp án không đúng. So sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho thí sinh câu trả lời đúng. Hãy loại bỏ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó chọn đáp án dựa trên những mối liên hệ giữa các câu trả lời và đầu bài.

Theo ông, thí sinh chuẩn bị những gì cho kỳ thi ĐGNL?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo: Việc đầu tiên, thí sinh làm bài thi tham khảo để thấy được các điểm mạnh yếu của mình, những phần kiến thức hổng cần ôn tập, bổ túc. Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội tổ chức nhiều đợt thi trong năm nên thí sinh có thể chọn ngày thi, ca thi tại www.khaothi.vnu.edu.vn (từ ngày 1/4/2021). Sau khi hoàn tất các bước đăng ký dự thi, học sinh làm bài thi tham khảo, cân đối thời gian hợp lý cho từng phần thi. Trước ngày thi, hãy giữ gìn sức khỏe, ôn tập các phần kiến thức chuyên môn chưa làm tốt ở các đề thi tham khảo, kiểm tra lại địa điểm thi, ngày thi, giờ thi trên tài khoản cá nhân tại www.khaothi.vnu.edu.vn hoặc kiểm tra hộp thư điện tử (e-mail) để nhận các thông báo mới (nếu có) từ Trung tâm Khảo thí, ĐHQG Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).