Bộ GD - ĐT vừa tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động về dịch chuyển sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN Plus Three (ASEAN+3) lần thứ 8.
Hội nghị, có sự tham dự của 12 nước qua hình thức trực tuyến, đóng vai trò là nền tảng để ASEAN+ 3 chia sẻ cách ứng phó đối với tác động của đại dịch COVID-19. Bất chấp đại dịch, việc dịch chuyển sinh viên vẫn tiếp diễn bình thường với việc các trường đại học tổ chức các khóa học trực tiếp cho những sinh viên quốc tế hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc hoặc cung cấp các khóa học trực tuyến cho những sinh viên chọn học trực tuyến.
Để sinh viên không bị gián đoạn việc học, hội nghị tập trung nghiên cứu sâu hơn để đưa ra những sáng kiến có thể cải thiện chất lượng GDĐH và thúc đẩy một môi trường “bình thường mới” cho các hoạt động dịch chuyển sinh viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp diễn trong một thời gian nữa.
Hội nghị sẽ đưa ra được một báo cáo tổng thể về cách ứng phó của giáo dục đại học các nước đối với dịch bệnh COVID-19 và sẽ đăng tải rộng rãi trên những kênh truyền thông của Ban thư ký ASEAN, để toàn bộ sinh viên có mong muốn dịch chuyển trong khu vực thuận tiện sử dụng.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung đáng chú ý của hội nghị là thảo luận về việc công bố những thông tin có giá trị, có cấu trúc trên cổng thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học các nước ASEAN+3 để thúc đẩy cơ hội học tập quốc tế trong các quốc gia này. Kết quả trao đổi, khảo sát này đã giúp hoàn thiện một bản hướng dẫn, hỗ trợ các trường đại học trong khu vực ASEAN+3 cung cấp những thông tin cần thiết bằng tiếng Anh trên website của nhà trường.
Ví dụ như chương trình học, học phí, môi trường học tập, visa, ký túc xá, điều kiện khí hậu… Điều này sẽ giúp sinh viên quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin, nâng cao cơ hội dịch chuyển quốc tế trong khu vực, thu hút sinh viên quốc tế. Trước khi đưa vào sử dụng, bản hướng dẫn để công bố thông tin có giá trị trên website nhà trường sẽ được trình lên các quan chức cấp cao của ASEAN+3 để thông qua và sẽ được đệ trình lên các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN để phê duyệt.
Những nội dung hội nghị khẳng định lợi ích chung và quyết tâm mạnh mẽ trong hoàn thành cam kết tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và cộng tác liên chính phủ, nhằm thúc đẩy việc dịch chuyển của sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học giữa các thành viên thuộc ASEAN+3.
Đẩy mạnh hợp tác giáo dục quốc tế, khai thác tối đa nguồn nhân lực tiềm năng trong khu vực, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra khắp thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Bộ GD - ĐT luôn ưu tiên hợp tác với các nước thành viên, cùng chung tay để góp phần vào sự phát triển của hợp tác giáo dục đại học trong khu vực ASEAN+3. Cuộc họp này đóng vai trò là nền tảng để ASEAN+ 3 chia sẻ cách ứng phó của chúng ta đối với tác động của đại dịch COVID-19. Thông qua các kênh thông tin liên lạc, tôi thật sự ấn tượng với những việc các nước thành viên đã làm để ứng phó với tình huống bất ngờ này trong việc đảm bảo sự dịch chuyển của sinh viên.
Bất chấp đại dịch, việc dịch chuyển sinh viên vẫn tiếp diễn bình thường với việc các trường đại học tổ chức các khóa học trực tiếp cho những sinh viên quốc tế hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc hoặc cung cấp các khóa học trực tuyến cho những sinh viên chọn học trực tuyến. Để sinh viên không bị gián đoạn việc học, nhiệm vụ của chúng ta ngày hôm nay là nghiên cứu sâu hơn để đưa ra những sáng kiến có thể cải thiện chất lượng giáo dục đại học và thúc đẩy một môi trường “bình thường mới” cho các hoạt động dịch chuyển sinh viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp diễn trong một thời gian nữa.
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là một trong những chính sách hàng đầu tại Việt Nam, trong đó hội nhập và quốc tế hóa giáo dục đại học đã được quan tâm đặc biệt. Trong những năm gần đây, giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được tiến bộ mang tính đột phá về chất lượng và nhận được sự công nhận quốc tế. Trong đó, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã gia tăng về số lượng (khoảng 400 chương trình khác nhau với các đối tác tại hơn 30 quốc gia trên thế giới) và không ngừng cải thiện chất lượng.
Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các ngành đào tạo đã được công nhận trong bảng xếp hạng các trường đại học uy tín nhất trên thế giới và ở châu Á (3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong top 1000 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của QS và Times Higher Education; 8 trường vào trong số 500 trường đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng QS).
Nhiều sinh viên quốc tế đã quyết định đến Việt Nam du học để trải nghiệm văn hóa và môi trường học tập mới (tổng cộng hiện nay có khoảng 21.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, trong đó có gần 15.000 sinh viên học đại học và sau đại học).