Trưởng thành từ công tác Đoàn
Duy yêu thích công tác Đoàn từ những năm PTTH và cũng may mắn được tín nhiệm bầu chọn vào BCH Đoàn trường. Đến năm lớp 12 Duy trở thành Phó Bí thư đoàn trường THPT Chuyên tỉnh Tiền Giang và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 18 tuổi. Lên đại học, Duy cũng đã tự ứng cử để được tham gia vào công tác Đoàn của khoa Y, trường ĐH Y Dược TP.HCM. Duy cũng được tín nhiệm trở thành Ủy viên BCH Đoàn Khoa Y, sau đó là Phó Bí thư Đoàn khoa Y, Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên-Hội Sinh Viên trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Hiện nay Duy đang là Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Trong những năm trên giảng đường, bên cạnh việc học tích cực, Duy cũng tổ chức và tham gia nhiều hoạt động Đoàn của khoa và trường: từ các hoạt động văn thể mỹ, cho tới các chương trình tình nguyện như "Mùa hè xanh", "Tiếp sức mùa thi", "Đêm hội trăng rằm" cho các em cơ nhỡ ở các trung tâm bảo trợ trẻ em... Sau khi tốt nghiệp đại học, Duy sang Hàn Quốc để làm nghiên cứu sinh. Tại đây, Duy cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, và được tín nhiệm trở thành Phó Bí thư Chi bộ Chuyên gia-Lao động và Du học sinh Việt Nam tại Suwon.
Trở về nước vào năm 2017, quay lại công tác tại trường ĐH Y Dược TP.HCM, Duy lại tiếp tục với công tác Đoàn trong vai trò là Bí thư Đoàn khoa Y và UV BCH Đoàn trường cho đến nay.
Với vai trò là một Bí thư Đoàn khoa Y, TS.BS. Phạm Lê Duy trực tiếp điều hành hơn 50 các hoạt động lớn nhỏ của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên khoa Y mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sinh viên. Trong dịch bệnh COVID-19, Duy đã trực tiếp kêu gọi, vận động và trực tiếp hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn Thành phố.
Giải thưởng “Quả Cầu Vàng” là danh hiệu thứ 2 trong năm 2020 dành cho những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ. Trước đó, TS.BS. Phạm Lê Duy đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương là 1 trong 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Đam mê với nghiên cứu khoa học
Nhớ lại những ngày đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu khoa học (NCKH) Duy cho biết. “Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên là đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của mình về chủ đề "Tai nạn trẻ em". Đó là lần đầu tiên mình làm làm NCKH, bắt đầu mọi thứ từ số 0. Ngoài sự hướng dẫn của giảng viên, mình cũng tự tìm tòi, học hỏi thêm, nhưng cũng vất vả lắm mới hoàn tất được. Sau đó khi sang Hàn Quốc thì mình bắt đầu nghiên cứu rất nhiều, và có lẽ từ đó mình bén duyên với NCKH cho đến nay. Với mình, nghiên cứu mà mình tâm đắc nhất là về vai trò của bẫy DNA ngoại bào của bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu ái toan trong bệnh hen. Đây cũng là đề tài tốt nghiệp NCS của mình. Hiện tại, các đồng nghiệp tại Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển thêm về lĩnh vực này”.
Khi mới tốt nghiệp đại học, Duy cũng là tác giả "Module Dự án học thuật cho sinh viên y khoa năm thứ 5". Đây là một Module trong chương trình đổi mới giáo dục Y Khoa cho sinh Viên Y khoa của trường ĐH Y Dược TP.HCM. Duy tâm sự: “Thực ra, mình không phải là người đưa ra ý tưởng này, chỉ là người được giao cho nhiệm vụ triển khai và thực hiện. Module Dự án học thuật nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng, cũng như tạo cơ hội cho mỗi sinh viên Y khoa đều được tập luyện tiến hành 1 nghiên cứu khoa học một cách bài bản, để không phải vất vả như mình ngày xưa khi mới bắt đầu tập tành làm NCKH. Mình và ban điều hành Module, cùng với Ban đổi mới chương trình đào tạo Y khoa rất mong các em sinh viên sau khi ra trường không chỉ giỏi về chuyên môn, gương mẫu về đạo đức, mà còn làm NCKH thật giỏi nữa”.
Truyền lửa cho sinh viên Y khoa
Với Duy, việc truyền lửa, truyền cảm hứng cho sinh viên là quan trọng. Duy bộc bạch: “Bản thân mình khi được truyền cảm hứng cũng cảm thấy có động lực và có thêm năng lượng để thực hiện tốt những công việc của mình, nên mình nghĩ, nếu truyền được năng lực tích cực, nhiệt huyết, niềm đam mê của mình cho sinh viên thì cũng sẽ giúp các em ấy học tốt hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn trong học tập và hoạt động ngoại khóa. Do đó, mặc dù bản thân cũng có những lúc gặp áp lực từ công việc và cuộc sống, nhưng trong lúc giảng dạy, hay trong lúc thực hiện các chương trình Đoàn-Hội, mình luôn cố gắng tạo một bầu không khí vui tươi, lạc quan, phấn khởi để các em sinh viên luôn thấy hào hứng khi học tập và hoạt động”.
Trong đợt dịch COVID đầu tiên, cả nước đều lúng túng và huy động hầu như mọi lực lượng, từ y tế, đến công an để ứng phó với dịch bệnh. Các bác sĩ tại bệnh viện luân phiên ra tuyến đầu, sinh viên Y khoa cũng được huấn luyện để sẵn sàng tham gia vào đội ngũ chống dịch. “Khi đó, mình và Đoàn khoa Y, cùng các em sinh viên đã phát động quyên góp tài lực và vật lực để hỗ trợ các trang thiết bị y tế (khẩu trang, quần áo phòng hộ, nước rửa tay kháng khuẩn, kính bảo vệ), các nhu yếu phẩm (bánh, sữa, mì gói, nước uống...), và tự làm các mask che mặt để hỗ trợ cho các mặt trận chống dịch tại địa bàn TP.HCM như bệnh viện dã chiến Củ Chi, Trung tâm HCDC, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, các khu cách ly như ĐH Quốc gia TP.HCM và các trung tâm quận”, Duy chia sẻ.
Dự định trong tương lai của Duy là làm sao có thể góp phần vào sự phát triển của ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng tại TP.HCM, sự phát triển của khoa Y (ĐH Y Dược TP.HCM). Hiện tại, Duy cùng với các thầy cô, anh chị trong hội Hen - Dị ứng Miễn dịch lâm sàng TP.HCM đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học, các lớp đào tạo Y khoa liên tục về lĩnh vực Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để cùng với các đồng nghiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này. Đồng thời, Duy cùng với nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về dị ứng để có thể tìm được các phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt hơn, chuyên biệt hơn cho người Việt Nam. “Mong mỏi lớn lao là làm sao ở TP.HCM có được một nơi điều trị và đào tạo Y khoa trong lĩnh vực này, để người bệnh Dị ứng và rối loạn miễn dịch được điều trị thật tốt. Trường ĐH Y Dược TP.HCM là một trong các đơn vị đứng đầu về đào tạo Y khoa tại miền Nam, nên mình rất mong mỏi lĩnh vực này sẽ được phát triển bắt đầu từ đây”, Duy trăn trở.
TS.BS Phạm Lê Duy có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học với 25 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó: 16 bài thuộc danh mục Q1 (04 bài là tác giả chính), 07 bài thuộc danh mục Q2 (05 bài là tác giả chính), 01 bài thuộc danh mục Q3, 01 bài thuộc danh mục Q4.