Triển lãm Doanh nghiệp xanh của cựu sinh RMIT nêu bật những nỗ lực “xanh” của tám doanh nghiệp đến từ nhiều ngành nghề đa dạng, từ hàng tiêu dùng đến vật liệu xây dựng, nông nghiệp, giải pháp kinh doanh, nghệ thuật và thiết kế. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung mục tiêu theo đuổi các giá trị bền vững và thực hành bền vững.
Triển lãm này khép lại chiến dịch “Act Green” (Hành động xanh) kéo dài bốn tháng do bộ phận Quan hệ cựu sinh viên RMIT Việt Nam phát động. Từ việc giới thiệu các sáng kiến bền vững và những cá nhân có cùng chí hướng, “Act Green” hướng tới việc giúp lối sống thân thiện với môi trường trở thành lựa chọn dễ dàng hơn cho mọi người.
Các đơn vị tham gia Triển lãm Doanh nghiệp xanh của cựu sinh RMIT gồm Biti’s, Cocoon Vietnam, Công Bằng Corporation, VAN HOA, Best Water Technology, Vụn Art, Nuoa.io và FlyFeed. |
Vì đây là triển lãm nhằm nêu bật các hoạt động bền vững, ban tổ chức đã tạo ra một sự kiện “có thể tái chế”. Thách thức lớn nhất trong việc hiện thực hóa ý tưởng này là vật liệu gian hàng, như chị Nguyễn Thùy Linh (phòng Quan hệ cựu sinh viên) giải thích:
“Triển lãm chỉ diễn ra trong vòng một tuần nên nhiều công ty tổ chức sự kiện khuyên chúng tôi sử dụng vật liệu nhựa chi phí thấp. Tuy nhiên, những vật liệu này chỉ sử dụng được một lần và không thể tái chế, do vậy sẽ tạo ra nhiều rác thải và cần phải dọn dẹp sau sự kiện”.
“Chúng tôi đã liên hệ với 20 đơn vị tổ chức sự kiện khác nhau ở Việt Nam để tìm ra giải pháp tốt nhất và cuối cùng đã tìm ra cách hiện thực hóa ý tưởng bằng cách sử dụng bìa cứng làm vật liệu cho gian hàng”.
Ý tưởng tưởng chừng đơn giản nhưng quá trình thực hiện lại tốn rất nhiều công sức.
Chị Linh chia sẻ: “Thoạt đầu tôi nghĩ dùng bìa carton để dựng gian hàng triển lãm thì chẳng có gì khó. Đây là vật liệu rất quen thuộc trong đời sống, lại dễ phân huỷ và tái chế”.
“Thế nhưng khi đề cập đến việc sử dụng loại vật liệu này, tôi đã nhận nhiều cái lắc đầu từ đơn vị thi công. Lý do đơn giản vì đây là vật liệu hoàn toàn mới với họ và họ bối rối vì không biết nên dựng thế nào”.
Để đứng vững, các gian hàng cần sử dụng chất liệu carton đặc biệt, có độ dày và cứng hơn loại thông thường. Quá trình kiếm được loại vật liệu như vậy hết sức gian nan. Việc hiển thị chữ cỡ nhỏ và màu sắc phong phú trên bề mặt ám vàng của bìa carton cũng đòi hỏi kỹ thuật in phức tạp.
Chị Linh nói: “Chúng tôi đã mất nhiều tháng nghiên cứu và làm việc chăm chỉ, song kết quả cuối cùng hết sức hài lòng”.
Bên cạnh những gian hàng được được làm từ bìa carton, cựu sinh viên RMIT còn mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo giúp thúc đẩy xu hướng sống xanh, sử dụng các sản phẩm có độ bền cao, thân thiện với người dùng và giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Bộ bàn ghế làm từ carton tái chế từ thùng đựng thiết bị điện tử. Sản phẩm có khả năng chịu tải lên đến 65kg và được lắp ghép bởi anh Lê Vũ Cường, cựu sinh viên RMIT và là Nhà sáng lập công ty Công nghệ Năng lượng Xanh 1516. |
Bộ sưu tập “Còn gì dùng đó” của Biti’s cho khách tham quan cơ hội hiếm hoi tự ngắm những chiếc giày độc bản được ghép ngẫu nhiên từ vật tư thừa trong quá trình sản xuất. |
Những tác phẩm nghệ thuật được làm từ vải vụn thừa gom nhặt ở Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Đây là ý tưởng độc đáo của Vụn Art nhằm tái chế rác thải thời trang đồng thời tạo việc làm cho người khuyết tật. |
Khách tham quan buổi khai mạc triển lãm còn có cơ hội tham gia buổi trò chuyện với cựu sinh viên ngành Thạc sĩ Quản trị doanh nghiệp (Cấp quản lý), RMIT Việt Nam, ông Phạm Tuân. Ông Tuân đã chia sẻ về hành trình 15 năm phát triển bền vững đầy cảm hứng của Công Bằng Corporation (CBC), công ty do ông sáng lập và quản lý.
Bắt đầu từ những bước đi đầy tham vọng đầu tiên vào năm 2008, khi khái niệm bền vững còn được coi là xa vời ở Việt Nam, CBC đã chứng tỏ được vị thế là công ty tiên phong trong việc cung cấp vật liệu cách nhiệt bền vững. Các giải pháp sáng tạo và chất lượng cao của doanh nghiệp này đã giúp định hình lại tư duy của người Việt trong việc xây dựng nhà kính, khách sạn và văn phòng.
Ông Tuân cho biết: “Thông điệp ‘Act Green’ của chiến dịch đồng điệu với những gì chúng tôi nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp. Tham gia sự kiện này là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh về cuộc sống xanh và một hành tinh xanh hơn. Chúng tôi muốn kết nối với những người có cùng chí hướng để cùng nhau truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa cùng hành động xanh”.
“Act Green” cũng khép lại chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm cộng đồng cựu sinh viên RMIT Việt Nam.
Bà Manuela Spiga, Trưởng bộ phận Hướng nghiệp, Cựu sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của RMIT Việt Nam, cho biết: “Bằng cách tập hợp các tổ chức có chung tầm nhìn hướng tới một cộng đồng bền vững, chúng tôi đang thiết lập nên một nền tảng năng động nơi sinh viên và cựu sinh viên RMIT có thể tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến xanh đa dạng”.
“Thông qua những tương tác có chủ đích như vậy, chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo vừa theo đuổi lối sống bảo vệ môi trường, vừa đồng thời tạo ra các hoạt động kinh doanh bền vững”.
Triển lãm Doanh nghiệp xanh của cựu sinh RMIT mở cửa hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều từ nay đến hết ngày 11/11/2023 tại Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo RMIT, cơ sở Hà Nội, 521 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội (mở cửa miễn phí).