Chúng ta được biết rằng ở xã hội Châu Á không còn ngăn cấm kết hôn đồng giới nhưng những định kiến xấu về cộng đồng này vẫn luôn tồn tại. Vậy nên, đại đa số người thuộc cộng đồng LGBT+ không dám come-out, sống thật với chính mình.
Sức nặng mang tên 'Trách nhiệm gia đình'
Khác với các nước châu Âu, ở châu Á và cụ thể là ở Việt Nam, hầu hết những người thuộc cộng đồng LGBT+ đều cảm thấy sự khắt khe của gia đình, xã hội đối với các chủ đề liên quan đến LGBT+. Sự khắt khe này đến từ cách mọi người nhìn nhận, phán xét, hay có thái độ và phản ứng tiêu cực với những người có biểu hiện xu hướng tính dục khác biệt.
Thái độ dè chừng và né tránh LGBT+ còn thể hiện trong cách giáo dục khi cha mẹ ngăn cấm hoặc hạn chế con cái giao du với những người có biểu hiện không giống số đông. Hay ngay trong chính giới trẻ, khi nhiều người chọn sẽ né tránh và cảm thấy e dè trước những người thuộc LGBT+. Môi trường thiếu cởi mở từ gia đình đến xã hội vô hình chung đã đẩy những người thuộc cộng đồng LGBT+ ra xa hơn với phần còn lại của thế giới.
Định kiến về LGBT+ vẫn luôn tồn tại (Ảnh: BBC). |
Ngoài những câu chuyện bị gia đình từ chối, những câu chuyện khi LGBT+ trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình hay chịu những phản ứng tiêu cực từ gia đình cũng rất phổ biến. Nhiều gia đình sử dụng bạo lực nhằm ép buộc con cái thay đổi hoặc tìm đến các ‘bác sĩ tâm lý’ hay ‘thầy lang’ để chữa trị, thậm chí còn thực hiện những biện pháp cúng bái tâm linh với mong muốn con của mình trở thành ‘người bình thường’.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, Ths. Tạ Văn Hai trong Talkshow Cuộc chiến thế hệ: Ai nhượng bộ? cho biết, hiện tại có một sự 'hơi ngược' khi bố mẹ là những người biết chuyện sau bạn bè, cộng đồng,... và chuyện come-out cũng không ngoại lệ. “Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta là một thứ gì đó khác biệt so với số đông, không đúng với sự kỳ vọng của bố mẹ lại nghĩ rằng khi nói ra sợ làm tổn thương họ! Và những lo sợ cho bản thân mình cũng như chính là lo sợ cho bố mẹ, đó là việc bị mọi người phán xét, thậm chí là dè bỉu,... khiến họ cảm thấy buồn tủi”, Ths. Tạ Văn Hai chia sẻ.
LGBT+ và những câu chuyện bạo lực, phân biệt đối xử (Ảnh: iSee). |
Ngoài vai trò giới, đặc thù văn hoá coi trọng trách nhiệm duy trì dòng họ cũng mang lại tác động khác nhau đến việc công khai đối với LGBT+ nam và nữ. Rõ ràng trách nhiệm lập gia đình, sinh con cái, nối dõi tông đường vẫn còn rất nặng nề và luôn coi đó như trách nhiệm bắt buộc. Sức ép về việc lập gia đình cũng khiến cho các cặp đôi cùng giới phải đứng trước những chọn lựa về sự lâu bền trong quan hệ.
Làm sao để sống là chính mình?
Những người thuộc cộng đồng LGBT+ thường xuyên phải gánh chịu tổn thương từ việc xã hội chỉ trích đến gia đình quay lưng. Liệu có đáp án hoàn mĩ cho vấn đề này?
Nhìn nhận cởi mở với chính mình là bước đi đầu tiên trong cả quá trình công khai - sống là chính mình. Chúng ta luôn ‘gói gọn’ mình trong một khuôn khổ 'thâm căn cố đế' từ bao đời nay: chúng ta 'sẽ' yêu người khác giới. Rất ít môi trường dạy chúng ta rằng có thể cảm nhận mình thuộc một giới tính khác với giới tính lúc mới sinh. Đây là lý do chính vì sao nhiều người cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bối rối khi lần đầu đối diện với những sự thật mới và khác với những gì họ từng biết. Phải có trách nhiệm đúng với bản thân thì mới có trách nhiệm phù hợp với gia đình.
Hãy chấp nhận và yêu chính mình (Ảnh: wikiHow). |
Bên cạnh việc chấp nhận bản thân thì bạn bè thường là những người đầu tiên chúng ta công khai. Bước tiếp là hãy từ từ hành động để công khai cùng gia đình. Hành động đầu tiên cần phải làm đó là trấn an cho cha mẹ. Hãy giải thích cho cha mẹ một cách kiên trì, gỡ bỏ từng khúc mắc trong lòng họ. Bạn không bị bệnh, bạn hoàn toàn bình thường, bạn vẫn là bạn, vẫn có những mong ước và mưu cầu hạnh phúc nhất định. Và điều quan trọng nhất, chính là bạn KHÔNG nên công khai với gia đình khi chưa tự chủ hoặc xoay sở được tài chính.
Bên cạnh đó, nếu nhận thấy gia đình quá bài xích LGBT+ và có xu hướng bạo lực, ĐỪNG công khai và tìm cách ra ở riêng trước. Trên hết hãy ưu tiên sự an toàn của chính mình.
Hãy cứ đấu tranh để được sống là chính mình. |
Một khi đã có được sự chấp nhận của cha mẹ, việc công khai với họ hàng, người thân khác, bạn bè và đồng nghiệp sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Với tinh thần tự tôn và tâm trạng thoải mái, khi gặp những thắc mắc về giới tính từ phía những người xung quanh, những người thuộc LGBT+ sẽ nhận được sự đón nhận một cách thành thật từ mọi người.