Trưởng thành dưới mái Trường Đại học Khoa học, chị Ma Thị Út Sinh hiện là đang là Giám đốc của Công ty Thương Mại Đầu Tư Giáo Dục Trực Tuyến (IMUS), chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Tuy mới thành lập công ty được 2 năm nhưng chị Út Sinh đã khiến nhiều người nể phục bởi khả năng lãnh đạo, xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, chị từng có thời gian nghiên cứu và đào tạo phát triển tiềm năng con người để từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự.
Ngoài năng lực quản lý và điều hành doanh nghiệp, CEO Ma Thị Út Sinh còn có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc thi sắc đẹp. Đặc biệt, chị là một phụ nữ thân thiện, có trái tim giàu lòng nhân ái và không ngừng nỗ lực phát triển bản thân mỗi ngày.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo của tỉnh Thái Nguyên - huyện võ Nhai, đến năm lớp 10 thì chị Út Sinh thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Năm 2008, chị trở thành sinh viên Trường Đại học Khoa học và theo học chuyên ngành Văn học. Sau khi ra trường, chị chuyển hướng về công tác tại doanh nghiệp gia đình. Đến năm 2018, bằng những kinh nghiệm đã tích lũy và tinh thần khởi nghiệp, chị cùng chồng mở công ty riêng chuyên về giáo dục trực tuyến.
Tốt nghiệp Cử nhân ngành Văn học của Trường Đại học Khoa học, chị Út Sinh rẽ hướng trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh số. Chia sẻ về cơ duyên tìm đến con đường hiện tại, chị Út sinh cho biết: “Tôi tình cờ biết một chị bạn là giáo viên Trường Đại học Sư phạm - ĐHTN, chị ấy đã nhiều năm làm trong môi trường giảng dạy nên hiểu về môi trường giáo dục này và có rất nhiều kinh nghiệm. Sau đó tôi được chị ấy giới thiệu đến làm việc với một số công ty giáo dục trực tuyến. Năm đầu tiên khi mới bước ra làm doanh nghiệp riêng, công ty của tôi cũng chỉ thương mại các sản phẩm của công ty khác. Nhưng sau khi đi vào hoạt động 1 năm, nắm bắt được nhiều kiến thức về lĩnh vực này, hiểu hơn về công nghệ, tôi đã cùng một vài người bạn tự xây dựng nên hệ thống học tập này. Và đến bây giờ tôi rất tự hào khi hệ thống chúng tôi tự xây dựng có những điểm vượt trội hơn hẳn so với những công ty lớn cùng nghề”.
Luôn đặt hết tâm huyết vào công việc này, chị Út Sinh đã chọn một hướng đi khác so với nhiều hệ thống giáo dục trực tuyến hiện nay. Nếu trước đây các công ty về giáo dục trực tuyến chỉ tập trung vào đối tượng học sinh có lực học khá giỏi, bởi phần đa các bạn có nhu cầu tự học và chủ động tìm đến các trang web trực tuyến.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, chị Út Sinh đã đổi hướng, mở rộng đối tượng tiếp cận sản phẩm đào tạo. Công ty IMUS của chị đã cho ra mắt hệ thống học tập trực tuyến dành cho nhiều đối tượng học sinh, trong đó có học sinh có học lực trung bình, yếu. Bộ sản phẩm đào tạo trực tuyến của Công ty bao gồm những video quay sẵn được thực hiện bởi thầy cô giáo giỏi của nhiều trường học uy tín ở Hà Nội và có hệ thống LIVE trực tiếp giữa giáo viên và học sinh; hệ thống lớp học ảo để tương tác, giao, kiểm tra bài tập về nhà. Sau mỗi bài giảng, có phần thi trắc nghiệm củng cố, giúp người dạy và người học kiểm tra kết quả học tập.
Trao đổi với phóng viên về những tâm huyết trong công việc hiện tại, chị Út Sinh chia sẻ: “Tôi muốn đem dự án giáo dục đầy nhân văn và tuyệt vời này đến với mọi người mong ước giúp được những người đam mê kinh doanh online; những người có nhu cầu học hỏi trực tuyến có thêm nhiều kiến thức, có thể tự làm chủ thời gian, dù ngồi tại nhà vẫn có được một nguồn thu nhập cao.
Tôi tin rằng, giáo dục trực tuyến là một lĩnh vực đã và sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người trẻ, và nó chính là nền tảng để góp phần tạo ra rất nhiều nhân tài trong xã hội. Đặc biệt, đầu năm 2020, trong lúc cả thế giới hoang mang về đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động kinh tế, giải trí, văn hóa, giáo dục… đều đình trệ, thì hệ thống giáo dục kết hợp kinh doanh online IMUS như một phép thử đã chứng tỏ được tính ưu việt, trở thành giải pháp hữu ích không chỉ giúp giải quyết vấn đề cấp thiết hiện tại mà còn mang đến những giá trị thiết thực lâu dài”.
Hiện nay Công ty IMUS đang cố gắng để hoàn hệ sinh thái giáo dục trực tuyến từ mầm non đến đại học và sau đại học với mong muốn hệ thống trực tuyến mà công ty đã và đang xây dựng góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành. Hy vọng, trong tương lai không xa, hình thức online và offline sẽ được phổ cập đến toàn quốc, giúp cho các em học sinh, sinh viên có thêm những kiến thức trong chuyên môn và trong cuộc sống.
Học ngành Văn học, nhưng lại trở thành một Giám đốc công ty đào tạo trực tuyến, thoạt nghĩ, ngành được đào tạo và nghề nghiệp chị đang theo đuổi dường như ít liên quan. Nhưng khi trò chuyện với giám đốc Ma Thị Út Sinh mới biết, những kiến thức được trang bị trên giảng đường Trường Đại học Khoa học đã giúp chị rất nhiều trong công việc hiện tại.
Theo chị, bên cạnh kiến thức trên lớp, chị còn được thầy cô chia kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức thực tế qua những lần thực tập, thực tế tại các làng bản xa xôi, hẻo lánh hay các sở, ban ngành. Với chị, đó là những trải nghiệm vô cùng quý báu giúp chị có thể tự tin bước vào cuộc sống, khởi nghiệp. Từng là một cô gái vùng núi, khá nhút nhát, thiếu tự tin nên những năm đầu sinh viên, chị rất ngại các tham gia hoạt động của Khoa, Trường. Mãi năm học thứ 3, chị Út Sinh mới mạnh dạn “thử sức” trong cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” năm 2011 do Nhà trường tổ chức và may mắn đạt giải Nhất. Dấu mốc đó đã giúp chị mạnh dạn, tự tin hơn và năng động hơn trong các hoạt động khác của Nhà trường.
Trong hành trình khởi nghiệp, thực tế đã đôi lần vấp ngã nên chị Út Sinh luôn thấu hiếu và đồng cảm với các bạn trẻ có khát vọng khởi nghiệp. Chị tâm sự, “với tôi, các bạn trẻ bây giờ rất giỏi. Giỏi hơn thời của chúng tôi nhiều lắm. Các bạn rất bản lĩnh, “máu lửa”, dám nghĩ, dám làm nên tôi chỉ dám chia sẻ qua những trải nghiệm khởi nghiệp của chính bản thân tôi. Đó là khi còn trẻ, các bạn đừng để lãng phí tuổi thanh xuân, đừng để thanh xuân trôi qua một cách vô nghĩa. Bên cạnh việc học kiến thức chuyên môn, các bạn cần tranh thủ trang bị thêm một số kỹ năng cần thiết để có ích cho việc sau này đi xin việc. Đó là những điểm cộng cho các bạn khi ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào của doanh nghiệp”.