Ngày 25/6, tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã diễn ra Hội nghị hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe lần 9 để đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học đồng thời xây dựng chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Các ý kiến tại Hội nghị góp phần giúp UBND TP. HCM triển khai thực hiện một số nội dung về việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khối ngành sức khỏe giai đoạn 2020-2035.
Vấn đề học phí trở thành chủ đề được chia sẻ sôi nổi tại Hội nghị. Hầu hết lãnh đạo các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ đều tỏ ra đồng cảm với trường ĐH Y dược TP. HCM trong việc công bố mức học phí mới, lên tới 70 triệu đồng/năm.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS. TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y dược TP. HCM nói rằng, trong luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học, ở điều 32 cũng có nêu một số tiêu chuẩn để đạt điều kiện xác định mức học phí. Nhà trường cũng đạt được những điều kiện đó để được đưa ra mức học phí được phép tính đúng tính đủ cho vấn đề đào tạo của nhà trường.
Căn cứ để thực hiện điều này là Luật giáo dục Đại học và Nghị định 99 (kiện toàn hội đồng trường theo mô hình mới) và Thông tư số 14 của Bộ GD - ĐT quy định một số định mức kỹ thuật để cấu thành nên mức học phí.
“Nếu nhìn lại mức học phí dự kiến mà trường đưa ra sẽ thấy có nhiều mức và cao nhất là 70 triệu đồng/năm chứ không phải đổ đồng tất cả cả các ngành mà thực chất dựa trên chi phí cần thiết để đào tạo sinh viên đảm bảo có chất lượng. Chất lượng đào tạo và trải nghiệm của sinh viên khi học ở trường là cốt lõi để trường xây dựng học phí như vậy. Thực tế với mức học phí này, trường vẫn còn phải bù lỗ, chưa tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo”, ông Tuấn chia sẻ.
Hiệu trưởng trường ĐH Y dược TP. HCM cho biết thêm, có 3 yếu tố quyết định việc nhà trường ấn định mức học phí trong đó gồm đầu tư cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên.
“Thời gian qua trường đầu tư rất nhiều cho sơ sở vật chất, đội ngũ và chương trình đào tạo. Sinh viên được nhiều trải nghiệm như lớp học nhóm nhỏ, trung tâm mô phỏng (trung tâm mô phỏng số 1 Việt Nam). Chương trình đào tạo của trường cũng phối hợp với trường Y Havard xây dựng. Đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Sợ nhất nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân được họ”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng hiện nay, sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2020, nếu trường đại học không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này.
Ông Tuấn cho rằng, học phí thấp khiến các trường khó thực hiện việc này và đó là bước lùi đối với đào tạo y khoa của Việt Nam. Còn việc xã hội băn khoăn người nghèo học giỏi muốn cơ hội học tập để trở thành thầy thuốc, nhà trường khẳng định đã có chính sách học bổng để giúp sinh viên học được.
Chẳng hạn như ngành Y đa khoa có 400 chỉ tiêu thì sẽ có 150 chỉ tiêu có học bổng dao động từ mức 25-100% học phí. Tính trên chỉ tiêu 2.100 sinh viên, trường dành đến 800 suất học bổng chiếm khoảng 15% tổng mức thu học phí trong khi theo quy định tối thiểu là 8%.