Theo Công văn 443 của Bộ GD - ĐT vừa gửi Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/6, với hơn 1,16 triệu thí sinh đăng ký, tăng gần 83.000 so với năm ngoái.
Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang trong quá trình sắp xếp lại chính quyền cấp huyện, xã, đồng thời thay đổi cơ cấu của hệ thống cơ quan thanh tra ngành giáo dục. Ngoài ra, 2025 cũng là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo hai chương trình giáo dục khác nhau: Chương trình 2006 và chương trình 2018.
![]() |
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Bộ GD - ĐT đánh giá công tác tổ chức năm nay đặc biệt áp lực, đòi hỏi các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ và có phương án dự phòng cho mọi tình huống.
Một trong những lo ngại hàng đầu được Bộ GD - ĐT chỉ rõ là việc gian lận bằng thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi. "Thực tế cho thấy các thiết bị tai nghe siêu nhỏ, camera ngụy trang, công nghệ kết nối không dây đang được một số đối tượng sử dụng để vi phạm quy chế thi", văn bản nêu.
Bộ yêu cầu lực lượng công an các tỉnh, thành lên phương án giám sát, phòng chống gian lận công nghệ, đặc biệt tại các điểm thi quan trọng. Đồng thời, các địa phương phải kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, ngăn chặn tin giả, gây hoang mang dư luận.
Sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, Bộ GD - ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi các địa phương tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ:
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, đặc biệt là lực lượng dự phòng.
Phân công rõ người, rõ việc, không để khâu nào “trống” trách nhiệm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập tại các khâu quan trọng.
Đảm bảo tuyệt đối an ninh, chống gian lận công nghệ và bảo mật đề thi.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy chế, nâng cao nhận thức cho thí sinh và phụ huynh.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn.
“Kỳ thi không chỉ là thước đo đánh giá học sinh, mà còn phản ánh năng lực tổ chức, sự minh bạch và kỷ luật của cả hệ thống chính trị địa phương”, văn bản nêu.
Bộ GD - ĐT nhấn mạnh: “Mọi công tác chuẩn bị phải đặt thí sinh làm trung tâm, từ cơ sở vật chất, điều kiện đi lại, đến hỗ trợ tâm lý và truyền thông”.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là căn cứ xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học và cao đẳng, vì vậy, việc đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục trong năm nay.