Trong số thí sinh đăng ký thi, hơn 468.000 thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), chiếm tỷ lệ gần 53% tổng số thí sinh. Có hơn 302.000 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) chiếm hơn 34% tổng số thí sinh. Có hơn 27.000 thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Theo quy chế, đối với thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH, bắt buộc phải dự thi đủ cả hai bài mới được xét tốt nghiệp. Nếu bỏ một trong hai bài thi sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Sau khi có kết quả thi, bài thi nào cao điểm hơn sẽ được chọn xét tốt nghiệp. Hiện tại, thí sinh đã hoàn tất bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng các ngành Sư phạm. Các thí sinh có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký của mình từ ngày 22/7 đến ngày 29/7. Năm trước, tỷ lệ thay đổi nguyện vọng khá cao, vì không phải thí sinh nào cũng có thể đánh giá chính xác điểm thi của mình cũng như dự báo điểm sàn xét tuyển của các trường.
Các trường phải thực hiện “3 công khai” đầy đủ để thí sinh có đủ dữ liệu chọn trường và chọn ngành.
Theo lưu ý của ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, việc chọn ngành nghề cần xác định trước và tìm hiểu kỹ trước khi chọn trường. Trong đợt 1, nhiều thí sinh đã chọn lựa những ngành nghề phù hợp nhưng đến khi có điểm thi thì cuống cuồng thay đổi nguyện vọng chỉ để trúng tuyển đại học là điều không nên. Thứ hai, cần liệt kê danh sách các trường, ngành theo thứ tự phù hợp về điều kiện học phí, sinh hoạt, chính sách hỗ trợ, điểm trúng tuyển hằng năm... để có thông tin điều chỉnh nguyện vọng. Nhiều thí sinh không có thông tin nên khi các trường công bố điểm sàn thì tưởng rằng đó là điểm có cơ hội trúng tuyển và lập tức thay đổi nguyện vọng. Với suy nghĩ này, các bạn dễ mắc phải tình trạng hoặc không trúng tuyển hoặc trúng tuyển vào trường không phù hợp. Thứ ba, các thí sinh nghĩ rằng trường có nhiều phương án xét tuyển, khi đăng ký bằng phương án này thì không được đăng ký phương án khác. Nhưng ở phần lớn các trường, các phương án hoàn toàn độc lập nên thí sinh có thể cùng lúc chọn nhiều phương án xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
* Liên quan đến công tác tuyển sinh, theo quy định, các trường đại học phải công khai đề án tuyển sinh, cấp đầy đủ các thông tin về trường, ngành đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường, kết quả tuyển sinh của 2 năm liền trước năm tuyển sinh để tham khảo… Tuy nhiên, trên thực tế, không trường nào thực hiện! Chẳng hạn, một vấn đề mà thí sinh rất khó hiểu là hiện nay, các trường đều đào tạo theo học chế tín chỉ và học phí cũng tính theo số tín chỉ mà sinh viên phải học. Thế nhưng, các trường lại công bố mức học phí theo học kỳ, theo năm học, nên thí sinh rất mơ hồ với cách công khai mức học phí theo tháng, năm của các trường...