Với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” diễn ra trong 2 ngày 25 – 26/11, với sự tham gia của 136 đại biểu trong nước và 41 đại biểu từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Dự Diễn đàn, có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Hoài Trung - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư; Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam… cùng sự tham gia của 177 đại biểu trí thức trẻ đang công tác, học tập tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ IV, năm 2021 được tổ chức nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đồng thời, định hướng công cuộc chuyển giao tri thức, công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước; góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu trí thức trẻ nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng tiếp thu tinh hoa, tri thức nhân loại để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các trí thức trẻ Việt Nam.
“Chúng tôi ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự Diễn đàn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm định hướng công cuộc chuyển giao tri thức, công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước. Đề nghị các bạn phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tích cực đóng góp đưa ra những ý tưởng, đề xuất về cơ chế, chính sách, nguồn lực góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 nói riêng và mục tiêu phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 nói chung”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Theo anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo những biến chuyển sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng lớn mạnh. Không ít trí thức trẻ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo, vươn mình ra tầm châu lục và thế giới, đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, khẳng định được trí tuệ Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
“Đặc biệt, điểm mới của Diễn đàn năm nay là việc tổ chức hơn 15 Hội thảo khoa học, Diễn đàn nhánh theo nhiều chủ đề, lĩnh vực chuyên môn để các trí thức trẻ thảo luận, trao đổi trước thềm Diễn đàn. Bên cạnh đó, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã được xây dựng, củng cố bằng những mạng lưới theo khu vực, như mạng lưới trí thức trẻ khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á - Thái Bình Dương hay theo từng lĩnh vực chuyên ngành, như kinh tế, xây dựng, y khoa, năng lượng. Điều này một mặt giúp kết nối mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, mặt khác tạo cơ chế hoạt động bền vững, hiệu quả cho mạng lưới”, anh Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về chủ đề nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học công nghệ trong tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sản xuất bền vững; nghiên cứu y - sinh, khoa học sự sống và con người; ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong năng lượng và môi trường, phát triển đô thị. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, quản trị và đổi mới; phát triển dự án y tế - giáo dục số, phát huy các giá trị văn hóa - con người Việt Nam trong kỷ nguyên số và phát triển các mạng lưới đổi mới, sáng tạo.