Với quy mô mở rộng và nâng cấp so với Hội nghị lần 1 tổ chức năm 2023, GSETS 2025 được kỳ vọng sẽ là sự kiện khoa học công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn, thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu hợp tác, trao đổi về vật liệu và công nghệ mới, các giải pháp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cầu nối góp phần giúp các cán bộ, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi các hướng nghiên cứu mới, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
![]() |
Rất đông các đại biểu ở các trường đại học trên cả nước tham dự Hội nghị. |
Hội nghị có hơn 300 đại biểu tham dự, với hơn 170 bài báo, 7 báo cáo ở phiên toàn thể và hơn 40 báo cáo tại các tiểu ban được trình bày và thảo luận tại 2 phiên toàn thể (plenary session), 3 phiên song song (parallel session) và 1 phiên poster của Hội nghị với nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề chính bao gồm: Vật liệu tiên tiến và các công nghệ sản xuất xanh; Các giải pháp và công nghệ phát triển bền vững; Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững…
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Trong khuôn khổ GSETS 2025, trường ĐH Công nghệ TP. HCM cũng tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability – METS. Tạp chí quy tụ gần 20 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới như Úc, Hoa Kỳ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc. Tạp chí METS là diễn đàn khoa học, chia sẻ những thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của đội ngũ học giả, nhà khoa học của Việt Nam và thế giới.
![]() |
Tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability – METS chính thức ra mắt tại Hội nghị. |
GSETS được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích và thiết thực cho cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp, đồng thời, cung cấp những khuyến nghị, đề xuất giải pháp cụ thể cho Thành phố nhằm góp phần giải quyết các bài toán, tháo gỡ các điểm nghẽn về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của TP. HCM.
![]() |
Các nhà khoa học chia sẻ các chuyên đề tại Hội nghị. |
Trong định hướng phát triển đô thị hiện đại và bền vững, TP. HCM đã xác lập một chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một trong những dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết này là việc UBND TP. HCM hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP. HCM (HCMC C4IR).
(Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan)
HCMC C4IR (Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) là một trong 21 thành viên của mạng lưới C4IR toàn cầu và là C4IR thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Malaysia). HCMC C4IR được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), với nhiệm vụ chính là đầu mối quốc gia trong hợp tác với WEF và các bên liên quan, góp phần định hình CMCN 4.0, thúc đẩy phát triển các động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, dựa trên nền tảng các công nghệ của CMCN 4.0.