Tôi là một cô gái sinh ra ở nơi tỉnh lẻ, quê tôi là một huyện nghèo. Thường thì những cô gái ở đây sẽ lấy chồng khi học xong THPT. Nhưng đó không phải là con đường mà tôi chọn, từ nhỏ đã luôn cố gắng học tập để có cơ hội được đặt chân đến Thủ đô học tập.
Tôi rất thích trường Đại học Ngoại thương nên đã quyết định thi vào ngôi trường này. Và rất may mắn khi tôi đã trở thành sinh viên của trường. Nhưng sau đó tôi lại gặp một trở ngại là sợ đám đông. Năm nhất tôi đã bị choáng ngợp, sợ đến lớp vì tôi sợ giao tiếp với người lạ, mỗi lần đến lớp tôi chỉ muốn buổi học kết thúc thật nhanh để mình có thể trở về nhà. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra xung quanh tôi, mọi người ai cũng tự tin giao tiếp nói chuyện làm quen rất tự nhiên với những người họ mới gặp lần đầu. Có thể môi trường Ngoại thương đã tác động đến tôi, họ tạo cho tôi động lực mình phải phát triển, mình phải vượt qua cánh cửa này. Ở trường Đại học Ngoại thương, sinh viên đi làm thêm và hoạt động ngoại khóa rất nhiều, rất năng động, vậy nên tôi đã thử sức mình ở một công việc đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng không hiểu bản thân lấy can đảm ở đâu để đi làm ngay giữa năm nhất tại một trung tâm tiếng Anh, công việc của tôi là chăm sóc khách hàng. Bạn thấy bất ngờ đúng không? Một đứa sợ đám đông, sợ người lạ, đôi khi còn run khi nói chuyện cùng nhiều người lại làm chăm sóc khách hàng và làm thế nào? Lúc đầu vào việc ngày nào tôi cũng bị quản lý mắng, vì sai rất nhiều và đặc biệt là cách nói chuyện không dứt khoát. Nhưng tôi vẫn kiên trì làm việc, tự nhủ rằng mình đã xuất phát chậm thì phải cố gắng để đi được nhanh hơn. Tôi có hai lựa chọn hoặc là cố gắng phá bỏ rào cản của mình, hoặc là lại trở về và đứng yên tại chỗ. Và tôi đã làm việc ở đó được gần 2 năm. Từ một người ít nói tôi đã trở nên hoạt bát hơn.
Sau đó tôi muốn tìm một môi trường mới để tìm những trải nghiệm mới. Và rồi tôi may mắn biết đến Báo Sinh Viên Việt Nam, nơi đã cho tôi những trải nghiệm thực tế. Tôi đã từng tự cao vì nghĩ rằng mình đã đi làm 2 năm nên đã có nhiều kinh nghiệm. Nhưng tôi đã lầm, mỗi môi trường sẽ có những công việc khác nhau và những cách xử lý khác nhau. Bản thân tôi lúc đó đã nhận ra rằng chính mình đang tự đánh giá cao bản thân mình. Và rồi dù với cái tôi lớn, tôi vẫn lựa chọn vạch dưới chân mình một vạch đích mới và tiếp tục một khởi đầu. Sau đó tôi trở thành lễ tân ở các sự kiện, đọc đến đây chắc mọi người sẽ nghĩ rằng lễ tân thôi mà có gì đâu? Nhưng như đã chia sẻ mỗi công việc đều đòi hỏi những cách xử lý khác nhau, khi mình chưa trải nghiệm thì mình sẽ không hiểu những câu chuyện phía sau đó. Tôi làm lễ tân trong 5 tháng không bỏ bất kỳ một sự kiện nào và không từ chối bất cứ công việc. Điều đó chính là nền tảng giúp tôi luôn được đạo diễn chương trình tin tưởng. Trong chuỗi sự kiện “Women Can Lead- Tại sao không?” do Báo Sinh Viên Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, tôi được giao nhiệm vụ làm lễ tân phòng VIP và dẫn đoàn khách sự kiện. Và thật may mắn khi tôi lại một lần nữa có duyên với tòa nhà Liên hợp Quốc (UN). Tôi đã được đặt chân vào trụ sở chính của UN tại Việt Nam tham dự cuộc họp với bà Helen Clark, nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNDP. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên và có mơ tôi cũng chẳng nghĩ đến.
Trong 5 tháng theo chương trình này, điều tôi học được đó là tính cộng đồng. Tôi được cống hiến dù rất nhỏ, nhưng từ đây tôi hiểu rằng không có gì vui hơn là được làm và cống hiến hết mình, tuổi trẻ nên cứ cống hiến thôi, đừng đòi hỏi quá nhiều.
Chắc các bạn đang thắc mắc rằng sau 5 tháng đó tôi làm gì? Sau 5 tháng đó tôi trở thành trợ lý đạo diễn chương trình của Báo Sinh Viên Việt Nam. Nhiệm vụ của tôi lúc này không chỉ gói gọn ở đội Lễ tân như trước nữa mà là bao quát toàn bộ chương trình. Khi nhận được tin tôi sẽ trở thành trợ lý, tôi đã rất ngạc nhiên tại sao lại là tôi? Một đứa mới chỉ làm cộng tác viên được 5 tháng, tôi vừa vui mừng, vừa lo lắng. Vui mừng vì biết mình sẽ được trải nghiệm và học hỏi được nhiều hơn. Lo lắng vì tôi sợ mình không đủ khả năng để làm việc tại vị trí này và sợ rằng mình sẽ làm hỏng việc. Nhưng đạo diễn chương trình vẫn quyết định chọn tôi, đây có thể nói là bước ngoặt lớn nhất trong hành trình của tôi. Khi bắt đầu tôi thấy bản thân mình thiếu sót nhiều. Công việc trợ lý đòi hỏi bạn phải mềm mại, khéo léo. Nhưng tính cách của tôi lại quá thẳng thắn. Thẳng thắn không bao giờ là sai, nhưng cách bạn thể hiện thế nào cho đúng thì phải dựa vào cả một quá trình học hỏi. Tôi đã từng thử học những người khác nói những lời nói có cánh, có đường hay có mật ngọt, nhưng tôi đã sai vì đó không phải là tôi, đó là việc tôi đang giống một con vẹt học lại lời của người khác không hơn, không kém.
Tôi đang sống cuộc sống của mình, tại sao tôi phải học theo cách làm của người khác, trong khi đó không phải sở trường của tôi. Cuối cùng tôi đã tìm được hướng đi riêng của mình, khi bạn đủ chân thành thì sự thẳng thắn sẽ là một điểm mạnh. Một nụ cười có thể thay đổi một ngày, một lời nói có thể thay đổi một cuộc đời. Là chính mình, nhưng phải trưởng thành hơn trong lời nói, thay vì luôn cho mình là đúng và nghĩ rằng thẳng thắn là nói tất cả những gì mình suy nghĩ thì thật sự đó là sai lầm trầm trọng.
Công việc trợ lý ở Báo Sinh Viên Việt Nam đã cho tôi những bài học đắt giá và đáng giá nhất quãng đời sinh viên. Đây cũng là nơi cho tôi cơ hội được thực tập tại Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Đây là nơi đã cho tôi thêm những kinh nghiệm về trợ lý, tôi đã làm những công việc nhỏ nhất và sau đó được giao nhiều công việc hơn vì nỗ lực của bản thân. Đây là nơi cho tôi cơ hội lần đầu được vào Văn phòng Chính phủ. Nhiệm vụ của tôi là đưa các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ là Apple, Disney, Neflix,... đến gặp Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Giống như một giấc mơ vậy, khi tôi được tham gia cuộc họp. Sau thời gian thực tập, tôi lại có cơ hội được gắn bó làm trợ lý dự án của Hội đồng. Công việc đến với tôi rất tự nhiên và tôi thì luôn nghiêm túc hoàn thành nó. Và sau gần 4 năm học đại học, trước lúc ra trường, tôi đã có một công việc phù hợp. Tôi rút ra cho bản thân một bài học về sự nỗ lực.
Khi bắt đầu ở một môi trường mới chúng ta luôn phải kiên trì và cố gắng cho họ thấy sự cầu tiến và tinh thần sẵn sàng học hỏi của mình. Cái chính là bạn phải nghiêm túc với công việc được giao, rào cản có cao đến mấy bạn cũng phải nỗ lực vượt qua nó, dù có trượt xuống thì phải nghĩ lối khác để vượt qua. Đừng bao giờ bỏ cuộc, mọi rào cản đều do chính bạn tạo ra, vậy nên chỉ có bạn mới biết cách vượt qua nó. Tôi còn nhớ câu nói nổi tiếng của Indra Nooyi (CEO Pepsi): "Chúng ta không có nhiều thời gian đâu, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi có nhiều thử thách và đau đớn, nhưng không còn cách nào khác cả, hãy bước về phía trước dù bạn có bị gục ngã nhiều lần". Hãy là một chiến binh, đừng là một người chỉ biết sợ. Nỗi sợ chính là rào cản, chỉ khi bạn tự tin vào bản thân mình và nỗ lực thì bạn mới chiến thắng được tất cả. Lúc bắt đầu sẽ luôn là những khó khăn, nhưng khi bạn đặt tất cả nhiệt huyết của mình vào công việc thì thời gian sẽ cho bạn trái ngọt. Và hiện tại trước lúc ra trường tôi đã có một công việc phù hợp.
Viên Ngọc Hồng
(Sinh viên trường Đại học Ngoại thương)