Cuộc hạnh ngộ ý nghĩa của sinh viên năm nhất
Kì nghỉ hè 2024 đánh dấu cột mốc đáng chú ý của nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao. Ở lại Hà Nội, gác lại những cuộc vui ngày hè, chúng mình ưu tiên sử dụng 2 tháng quý báu để thực tập “hành nghề phóng viên” tại Ban Sinh viên, báo Tiền Phong.
Không ít lần, chúng mình nhận được câu hỏi: “Sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo đã được đi thực tập rồi sao?”. Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự ngờ vực về năng lực của sinh viên năm nhất, và thường cho rằng: “Thực tập từ năm nhất là làm gì? Có chăng cũng chỉ là những việc vặt bưng bê?”.
Tuy nhiên, chúng mình luôn tin những cuộc gặp gỡ trên đời là hạnh ngộ. Thời gian sẽ không đợi ai và cũng không vì ai mà trôi chậm lại. Thực tập từ năm nhất là giấc mộng đẹp mà chúng mình luôn ao ước ngay từ khi quyết định gắn bó với Khoa, với trường. Cơ hội đến, tại sao chúng mình phải chần chừ chỉ vì một vài thành kiến? Các thành viên thực sự sống trọn vẹn trong 2 tháng thực tập, để chứng minh “năm nhất cũng có cái hay của nó”.
5 sinh viên Học viện Ngoại giao “chân ướt chân ráo” bắt đầu kì thực tập với nhiều mong đợi: Đậu Thị Nhàn, Nguyễn Ngọc Minh Khuê, Vũ Thu Trang, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thu Nga. |
Học viện Ngoại giao, đặc biệt Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại đã đem đến cho sinh viên như chúng mình một “giấc mộng hè” đẹp đẽ, được đi “thực chiến” ngay từ năm nhất. Đây là thời gian để chúng mình được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, áp dụng kiến thức vào thực tiễn, qua đó, xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, định hình con đường sự nghiệp rõ ràng hơn.
Ngày 19/06/2024 là ngày đầu tiên nhóm đặt chân đến địa chỉ sẽ thực tập trong hai tháng tới. Đứng dưới chân thang máy tòa soạn, chúng mình hồi hộp chờ đợi người xuống đón, trong đầu nảy ra những suy nghĩ không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hoa chính là người đầu tiên nhóm gặp gỡ. Chị xuất hiện với phong thái nhanh nhẹn, tháo vát và chất giọng đặc biệt thân thương. Chị chào chúng mình và hỏi thăm như những người quen biết nhau từ trước đó. Các thành viên đều nhẹ bẫng người đi và hạnh phúc cảm nhận được sự trân trọng của chị đối với thực tập sinh năm nhất chân ướt chân ráo.
Với kinh nghiệm của một phóng viên lâu năm trong nghề, chị đã chia sẻ về thái độ làm việc, cách đối nhân xử thế, cách tạo nên giá trị của bản thân trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Chúng mình vẫn nhớ mãi câu nói của chị: “Nếu muốn người khác yêu thương, đối xử tốt với mình, em phải chân thành trao đi bằng cái tâm của mình trước”.
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hoa luôn thân thiện, vui vẻ đồng hành cùng các sinh viên. |
Mối lương duyên của 5 bạn sinh viên Truyền thông với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong đã khởi sinh như thế. Hai tháng thực tập tại tòa soạn là hành trình những “lần đầu tiên” đầy ý nghĩa của nhóm sinh viên Truyền thông Học viện Ngoại giao.
Chuyến du hành trong vũ trụ của con chữ
Mang trong mình sự say đắm với thế giới ngôn từ, các thành viên nhóm đều cố gắng tập viết để cho ra đời “những đứa con tinh thần”. Đầu ngọn bút được thoải mái sáng tạo song chúng mình phải ý thức rõ câu trả lời cho câu hỏi: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?”.
Muôn vàn câu hỏi xuất hiện trong tâm trí: Làm sao để tìm kiếm nhân vật phỏng vấn trong khi vòng tròn quan hệ mình rất hẹp? Làm sao để triển khai đề tài và có một bài viết hay? Làm sao để đặt mình vào vị trí của người đọc?… Để giải quyết vấn đề, chúng mình đã xin kinh nghiệm từ những người anh chị tiền bối đi trước. Hơn hết, các thành viên đều bỏ qua những nếp nghĩ bùng nhùng, bắt tay vào làm việc, khó đến đâu giải quyết đến đấy.
Quá trình viết báo tại Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong trong những ngày thực tập giúp chúng mình được kết nối với nhiều người giỏi trong các lĩnh vực. Phỏng vấn nhân vật là cách để chúng mình lắng nghe chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tiếp xúc với mỗi cá tính khác nhau. Có những người đã trở thành “người thầy” của chúng mình một cách tình cờ. Mọi người rất nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ, ngay cả khi họ bận từ sáng sớm tới khuya muộn. Chúng mình rút ra được bài học từ câu chuyện của các nhân vật. Đó chính là để thành công, chúng ta không chỉ phải kiên trì rèn luyện, mà còn phải biết nắm bắt lấy cơ hội.
Những lúc phỏng vấn, chúng mình có thời gian để lắng nghe và suy ngẫm. Dường như cuộc sống từ đó mới khởi sinh. Mỗi người lại mang tới một câu chuyện mới mẻ, một vũ trụ chỉ dành cho riêng họ. Thỉnh thoảng, chúng mình còn nghe thấy tiếng nói từ nội tâm, rằng “phải viết để cho những thân phận được tự sự, phải lan tỏa những câu chuyện ấy để cộng đồng biết tới và tô điểm cho thế giới những sắc màu rất thanh.
Hai tháng thực tập là quãng thời gian vừa đủ để các thành viên có cơ hội được rèn luyện khả năng báo chí, một trong những ngóc ngách của Truyền thông. Chúng mình hiểu được thực tế công việc cần làm, bắt đầu thấy rõ được điểm mạnh, điểm yếu và định hình tốt hơn về nghề nghiệp trong tương lai. Quan trọng hơn hết, chúng mình hiểu về sứ mệnh cao cả của báo chí. Các anh chị luôn dặn dò thực tập sinh về vai trò của tính chân thật, khách quan của thông tin; về chữ tâm của nhà báo và giá trị của trang viết lan tỏa đến cộng đồng. Với nhóm sinh viên Ngoại giao, qua kì thực tập, chúng mình cảm nhận nghề báo thật thiêng liêng và cao quý.
Chúng mình tin vào nhiệm vụ và trách nhiệm lan tỏa điều ý nghĩa cần làm hơn bao giờ hết khi thực sự trở thành một phóng viên. Chính là bởi những nụ cười, những dòng tin nhắn cảm ơn từ các nhân vật đã làm việc với chúng mình. Những nhân vật ấy xứng đáng được công nhận với giá trị họ đã tạo nên cho cộng đồng. Có thể đó chỉ là một bài viết nho nhỏ, nhưng ít nhiều, nhân vật cảm thấy tự tin hơn, và cũng khi ấy, họ mới càng có niềm tin tiếp tục và cống hiến sứ mệnh riêng của họ.
Những trải nghiệm thực tập “đa lĩnh vực” có một không hai
Kỳ thực tập của sinh viên năm nhất không chỉ gói gọn trong hình ảnh đôi tay đánh máy tính mà còn là những “chân” chạy sự kiện nhiệt huyết. Chúng mình làm việc với những gì tuổi trẻ có, dấn thân để lưu dấu ấn kỉ niệm trong ngày tháng làm thực tập sinh tại cơ quan.
Kỉ niệm chúng mình nhớ nhất chính là vinh dự được tham gia phát báo cùng các anh chị tòa soạn trong tang lễ của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là dấu mốc lịch sử mang đến cho chúng mình những cảm xúc đặc biệt, không thể nào quên.
Trong dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà xuất bản Thanh niên, chúng mình có cơ hội được góp công chuẩn bị cho sự thành công của sự kiện. Dù đứng ở vai trò lễ tân nhưng chúng mình đã học được nhiều kĩ năng trong cuộc sống. Chúng mình có được bài học ‘xương máu’ về sự trách nhiệm và cái tâm trong từng công việc dù là nhỏ nhất. Dù đứng ở vị trí nào, xuất hiện bao nhiêu giây trên sân khấu nhưng mình phải hết mình và chỉn chu từng chút một.
Các thực tập sinh trở thành những “chân” chạy sự kiện năng động, nhiệt huyết trong lễ hội 'Húc Fest' của Red Bull. |
Những trải nghiệm thực tập “đa lĩnh vực” giúp mỗi thành viên trong nhóm có cái nhìn đa chiều về ngành mình đang theo học. Đây là những kinh nghiệm mà chúng mình “bỏ túi” để hiểu và biết cách xây dựng hình ảnh cá nhân năng động, sáng tạo và tài năng không bị bó buộc bởi giới hạn.
Khởi sinh từ chữ “duyên”, gắn bó ở sự biết ơn
Bén duyên thực tập với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong là niềm vinh hạnh của nhóm. Nhờ có khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại Học viện Ngoại giao, chúng mình được kết nối với tòa soạn. Hai tháng vừa qua là khoảng thời gian đẹp nhất trong mùa hè này của chúng mình, bởi nó không chỉ cho phép được trải nghiệm dưới góc nhìn trực quan nhất về ngành nghề đang theo đuổi, mà còn giúp những “chú gà non” định hình được “tôi là ai” trong thế giới của bản sắc cá nhân.
Nhóm xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các anh chị phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là chị Nguyễn Quỳnh Hoa vì đã luôn tận tình chỉ dạy, tạo điều kiện hết sức cho những sinh viên trẻ. Những kinh nghiệm anh chị truyền gửi sẽ là hành trang quý báu để các thành viên vững vàng hơn trên con đường hành nghề.
Triệu hạt mưa rơi không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta từng gặp, không một người ngẫu nhiên. Chúng mình đã, đang và sẽ luôn biết ơn những “người thầy” đã xuất hiện trong hành trình trưởng thành vừa qua của mình. Với tâm nguyện chân thành nhất của bản thân, chúng mình sẽ luôn biết ơn và cố gắng.
Tuy hành trình thực tập 2 tháng đã kết thúc nhưng nó mở ra một khởi đầu mới rực rỡ hơn - trở thành Cộng tác viên của Ban Sinh viên, báo Tiền Phong - điều chúng mình mong ước.