Các chuyên gia đã đề cập những thông tin thực tế đáng lo ngại mà các gia đình gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội. Qua đây, cung cấp những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để các cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu, triển khai thành chính sách cụ thể trong trạng thái bình thường mới.
Anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Phát biểu tại Diễn đàn, anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khi xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhiều gia đình, trong đó có các gia đình trẻ đứng trước những thách thức vừa phải đi làm để đảm bảo cuộc sống, vừa phải phòng, chống dịch, đồng thời phải chăm sóc con cái…
Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” được tổ chức để chia sẻ với các gia đình trẻ những vấn đề mà họ gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội; cung cấp cho các gia đình trẻ thêm nhiều thông tin về tình hình liên quan đến gia đình, việc làm; những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình trong trạng thái bình thường mới.
Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại chương trình. |
Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc giãn cách xã hội đã khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các gia đình: Thành viên trong nhà được bên nhau nhiều hơn trong vui chơi, học tập, giải trí… Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian phát sinh không ít khó khăn xuất phát từ ảnh hưởng dịch bệnh như việc làm, thu nhập.
Điều tra trên 500 hộ gia đình triển khai trong tháng Bảy vừa qua cho thấy: 88% trường hợp khảo sát khẳng định đã mất việc hoặc bị tạm thời cho nghỉ việc, giảm thu nhập trong đại dịch. Trong đó, có tới hơn 40% bị mất việc; lượng giảm thu nhập hộ gia đình cũng đều không dưới 30%. Như hệ quả tất yếu, chất lượng cuộc sống của các gia đình đã giảm đáng kể. Hơn 52% trường hợp khảo sát đã phải giảm số bữa ăn hoặc khẩu phần ăn trong ngày.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng hội viên, thanh niên và đại diện các gia đình đã được cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan và giao lưu với các khách mời, được tư vấn, chia sẻ về cách chuyển đổi việc làm thời COVID-19; những vấn đề xã hội trong trạng thái bình thường mới; cách phòng, chống dịch COVID-19 khi cách ly và trong trạng thái bình thường mới ở chỗ ở và nơi làm việc; những kinh nghiệm, kỹ năng sống cho gia đình trẻ trong thời gian giãn cách xã hội và trong trạng thái bình thường mới. |
Báo cáo khác của Liên Hợp Quốc khẳng định: Tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành, xâm hại trong gia đình cao hơn. Tương tự, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng của “Ngôi nhà Bình yên” (T.Ư Hội LHPN Việt Nam) để “kêu cứu” vì bạo lực gia đình đã tăng gấp đôi.
“Đáng ngại hơn, chúng ta không loại trừ khả năng còn nhiều trường hợp không có cơ hội tiếp cận hỗ trợ do đang sống cùng người gây bạo hành nên không thể gọi điện”, ông Khuất Văn Quý nhấn mạnh.
Cũng theo các thống kê của T.Ư Hội LHPN Việt Nam, số nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào "Ngôi nhà Bình yên" đã tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 cũng đã ghi nhận số lượng tăng đột biến về trẻ em gặp khó khăn, áp lực, bị mắng, bị đánh trong khi học trực tuyến.