Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ tốt hơn các năm trước

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ tốt hơn các năm trước
SVVN - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn, phòng ngừa sự can thiệp của con người. Điều quan trọng mà những sự điều chỉnh ấy mang lại chính là việc tạo thuận lợi tối đa cho học sinh.

Tốt hơn năm trước

Theo TS Trần Đình Lý, trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 với các điều chỉnh theo hướng tốt hơn, phòng ngừa sự can thiệp của con người thì điều quan trọng mà những sự điều chỉnh ấy mang lại chính là việc tạo thuận lợi tối đa cho học sinh. Trong các điểu chỉnh, TS Trần Đình Lý tâm đắc nhất với việc gia tăng tiỷ lệ phần trăm xét tốt nghiệp bằng điểm thi THPT quốc gia. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh.

Theo ông Lý, điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng sử dụng “phao cứu sinh” điểm học bạ như năm trước, khi tỷ lệ là 50/50. Điểm mới này đồng nghĩa với việc không khuyến khích các trường ưu tiên xét tuyển bằng học bạ, khẳng định kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn đáng tin cậy hơn. 

Với các thay đổi được đánh giá là tốt hơn cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, TS Trần Đình Lý cho rằng, Bộ GD - ĐT cần lưu ý thêm một số điểm để công tác chuẩn bị được tốt hơn. Thứ nhất, năm nay các trường tại địa phương sẽ không tham gia tổ chức thi tại địa phương đó, đồng nghĩa với việc các trường đại học, cao đẳng sẽ chuẩn bị lực lượng nhiều hơn, nếu vẫn giữ tỷ lệ 50/50. Do đó, Bộ cần sớm công bố kế hoạch tổ chức thi chi tiết, để các trường đại học, cao đẳng được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi chủ động trong công tác nhân sự, chuẩn bị. Thứ hai, Bộ cần công bố bảng phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi. Việc này giúp các trường đại học, cao đẳng xác định nguồn tuyển chính xác hơn, tránh ảo.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Tốt hơn các năm trước

Thứ ba là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào sẽ phụ thuộc vào độ khó đề thi. Do đó, mức độ phân hóa của đề thi rất quan trọng. Vì vậy, Bộ cần chủ động nghiên cứu, xây dựng ngân hàng đề thi hợp lý, tránh sự biến động quá lớn như 2 năm liền kề vừa rồi. Thứ tư, việc Bộ GD - ĐT giao cho trường đại học chấm thi trắc nghiệm. Chứng tỏ mục tiêu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn rất quan trọng và cần độ tin cậy cao để các trường xét tuyển. Chưa biết việc chấm này sẽ tại địa phương hay đưa về trường. Tuy nhiên, cần theo nguyên tắc, ai chấm thì sẽ lưu trữ và chịu các trách nhiệm khác. Việc này Bộ cần cân nhắc kỹ để mục tiêu hiệu quả của kỳ thi được bảo đảm. Thứ năm là việc thực hiện đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm và đặt camera giám sát đề thi, bài thi, chấm thi... là giải pháp rất đúng và trúng để phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, can thiệp có chủ đích từ một cá nhân nào đó.

Trong khi đó, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho rằng, đó là những thay đổi hợp lý. Thực tế, với thí sinh thì có hai vấn đề mà các bạn quan tâm, đó là đề thi và cách tính điểm tốt nghiệp THPT. Trong dự kiến của phương án năm 2019 cũng đã tương đối cụ thể nên cũng tạo sự an tâm cho thí sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT cần sớm có hướng dẫn ôn tập để thí sinh và nhà trường có định hướng ôn tập. Năm 2019, việc xét tốt nghiệp có thay đổi về tỷ lệ điểm, trong đó, điểm lớp 12 chỉ chiếm 30% là một cải tiến tốt, nó vừa giúp đánh giá quá trình và cũng giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thông qua việc “làm đẹp” học bạ. Đây là thực trạng đã được phản ánh và những thay đổi này của Bộ không chỉ đảm bảo tính công bằng, mà còn giúp các trường đại học đảm bảo tốt đầu vào khi xét tuyển học bạ.

Về công tác tổ chức thi, ông Sơn nói rằng, việc giao cho các trường đại học chủ trì có thể phức tạp hơn trong công tác chuẩn bị từ các trường đại học nhưng cũng sẽ giảm thiểu được tiêu cực xảy ra như năm 2018. Năm 2019, Bộ quy định các trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức, coi thi tại địa phương mình là hợp lý. Tuy sẽ vất vả cho thầy cô phải di chuyển nhưng đổi lại là sự minh bạch, công bằng. Trong phương án tổ chức in sao đề thi, Bộ nên bố trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi “3 chung” và các trường đại học chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi bài thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi. Với những điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện và tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có sự trộn danh sách thí sinh, tránh việc các em dường như thi tại chỗ. Việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ tiêu cực.

Về công tác chấm thi, theo định hướng Bộ đưa ra, ông Sơn thấy sẽ giải quyết được bất cập gây ra tiêu cực. Việc chấm trắc nghiệm nên tập trung lại thành các điểm lớn và do Bộ chủ trì như những năm còn thi “3 chung”. Việc tập chung này vừa đảm bảo an toàn vừa giảm thiểu chi phí tổ chức. Việc chấm tự luận thì giao cho trường đại học chủ trì và huy động giáo viên chấm thi tại chỗ. Trong việc chấm trắc nghiệm thì khâu làm phách và bảo mật phách là quan trọng, do đó chỉ cần các trường đại học chủ trì vấn đề này cũng đã giải quyết được những khả năng tiêu cực.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM vẫn băn khoăn, tiêu cực có thể xảy ra ở các điểm tập kết bài thi. Theo ông Dũng, tình trạng tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia ngoài việc xảy ra tại một số sở GD - ĐT trong khâu chấm thi thực tế còn xảy ra ngay tại các điểm tập kết bài thi. Có cả tình trạng tô lại phiếu trả lời trắc nghiệm, đưa vào túi đựng bài thi và niêm phong lại ngay tại điểm thi các trường THPT. Do đó, chủ trương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình là điều rất nên làm vì sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế tiêu cực. Làm như vậy, kết quả của kỳ thi càng được tin tưởng hơn và các trường cũng yên tâm sử dụng kết quả này để xét tuyển. Các trường đại học tham gia chủ trì khâu chấm thi không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các trường.

Theo PGS. TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD - ĐT sẽ công bố đề thi minh họa sớm hơn so với các năm trước để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, các thầy cô giáo và thí sinh tổ chức ôn tập. Theo công bố của Bộ, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh. Kỳ thi năm 2019 sẽ vẫn có 5 bài thi là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và hai bài thi Tổ hợp KHXH (với 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và KHTN (với 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học). Trừ bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi trắc nghiệm. Phòng thi có 24 thí sinh, mỗi người một mã đề.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm không gian thực hành, nghiên cứu khoa học 'triệu đô' tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)

Trải nghiệm không gian thực hành, nghiên cứu khoa học 'triệu đô' tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)

SVVN - Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) có hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành "triệu đô" dành cho sinh viên. Cùng chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong tới trải nghiệm không gian được ví là "thiên đường" nghiên cứu dành cho sinh viên.
Điểm chuẩn ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) vẫn thuộc tốp cao nhất

Điểm chuẩn ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) vẫn thuộc tốp cao nhất

SVVN - Hội đồng tuyển sinh trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển có điều kiện các phương thức xét tuyển sớm đại học chính quy năm 2024. Đứng đầu trong số này là Truyền thông Đa phương tiện, có điểm chuẩn bằng phương thức xét điểm Đánh giá năng lực, với 963 điểm.