Được biết, Khang đăng ký trở thành tình nguyện viên từ ngày 6/6. Khang chia sẻ: “Mình là thanh niên trẻ, có năng lực để tham gia chống dịch, với tình yêu Tổ quốc, mình muốn góp một phần nhỏ giúp thành phố sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh”.
Hơn ba tháng căng mình ở tuyến đầu chống dịch, Khang đảm nhận nhiều công việc khác nhau như trực chốt, hỗ trợ “ATM gạo”, hỗ trợ tiêm vắc xin, công tác hậu cần và vận chuyển lương thực. Hiện tại, Khang làm việc tại đội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 phường Hiệp Thành, Q. 12. Ngày làm việc của Khang bắt đầu từ 7h30 và kết thúc muộn nhất lúc 20h. Công việc nhiều, áp lực cao nên Khang và đồng đội phải làm việc liên tục, có những hôm phải bỏ cả bữa trưa vì không muốn để người dân chờ đợi.
Công việc nhiều, áp lực cao nhưng Khang không bao giờ nản lòng. (Ảnh: NVCC) |
Trong quá trình làm việc, Khang cho biết, khó khăn lớn nhất là việc phối hợp giữa đội lấy mẫu và người dân. Dù luôn nhắc nhở mọi người tuân thủ giãn cách trong lúc xếp hàng nhưng vẫn có người chen hàng và không giữ khoảng cách. Những lúc đối diện với thử thách, Khang luôn tự nhắc nhở bản thân: “Mình chiến đấu vì Sài Gòn. Đừng vì vài chuyện nhỏ nhặt mà lung lay từ bỏ”.
Tham gia tình nguyện chống dịch đối với Khang là một điều đáng nhớ: “Mình đã tìm được người mình yêu, rèn luyện thói quen dậy sớm, học được cách tự lập. Đồng thời, mình có thêm nhiều kỉ niệm thời thanh niên như trải nghiệm ngủ trên giường gỗ là bàn học”. Khang cũng cho biết mình “mất” đi cũng nhiều thứ, nhưng đó là sự lười biếng và thói quen “cày game” cả ngày.
Khang và các đồng đội của mình trong hoạt động chống dịch tại địa phương. |
Đối với quyết định trở thành tình nguyện viên của An Khang, mọi người trong gia đình đều ủng hộ, trừ bà ngoại. Khang chia sẻ: “Bà lo cho sức khỏe của mình, sợ mình chịu thiếu thốn, mệt nhọc nên không muốn mình tham gia. Bà muốn mình dành thời gian tập trung cho việc học nhiều hơn”.
Vì lo lắng mình có thể sẽ lây nhiễm cho người thân nên Khang quyết định đăng ký ở lại nơi dành cho tình nguyện viên chống dịch. Hay tin, bà của Khang đã rất lo lắng và dặn cậu sang bà lấy bánh và nước. Trong chỗ bánh, nước đó, bà kẹp tờ 500.000 đồng vào hai bức thư tay để Khang không nhìn thấy.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc (bà ngoại Khang) và các cháu của mình. |
Bức thư tay chỉ vẻn vẹn vài dòng chữ: “Bà thương con, 5 - 6 Tây con về nhà rồi lo học hết 12, rồi lấy bằng muốn đi đâu thì đi. Bà chỉ nhắc nhở con bấy nhiêu thôi. Làm việc tốt đừng để ai mắng con. Bà cho con 500 ngàn, đói bụng thì ăn đi, ăn hết bà cho con nữa”.
Khang tâm sự: “Sau khi đọc xong lá thư bà gửi, mình rất xúc động vì được bà thương yêu quá, cảm thấy mình như chàng trai đi lính hồi xưa được người nhà viết thư tay gửi ra nơi tiền tuyến”.
500000 |
Hiện tại, Khang đã bước vào năm học mới, tuy nhiên anh chàng vẫn tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch vào cuối tuần. |
Xa nhà nên trước mỗi bữa cơm tối, cậu thường xuyên gọi điện về cho gia đình để mọi người yên tâm rằng mình vẫn mạnh khỏe và ăn uống đầy đủ. Khang kể, mỗi lần call video với bà, cậu luôn chọn chỗ sáng nhất để bà không thấy da cậu đen đi vì ở ngoài nắng quá nhiều.
Sau khi hết dịch, Khang cho biết sẽ đi thăm ngoại và hôn bà thật nhiều để bù đắp cho khoảng cách giữa hai bà cháu trong khoảng thời gian này. Cậu bày tỏ: “Mình mong dịch bệnh mau kết thúc để mọi người không còn phải lo lắng, bất an, cũng để mình có thể đi thăm những người thân yêu và sớm quay lại trường học”.