Sự nhiệt tình và tận hiến của đội ngũ âm nhạc đa tài đã đưa khán giả quay về đắm chìm trong không khí sôi động, quyến rũ, mà xúc động của những năm 1930 tại thành phố New York.
Là sự kiện thường niên lần thứ 9, EP’19 phản ánh những vấn đề phổ biến với con người của New York phồn hoa trong quá khứ, đồng thời, đem tới cái nhìn về một hiện tượng xuất hiện và len lỏi trong mọi ngóc ngách của xã hội cho đến hiện tại. Cuộc sống không đẩy ai vào bước đường cùng, chỉ có con người tự đẩy nhau vào ngõ cụt, để rồi làm tha hóa lẫn nhau, khiến bản thân và những người khác trở nên vụ lợi và thực dụng. Để đạt được khao khát, con người bất chấp tất cả, ngay cả việc đánh mất chính bản thân. EP’19 là một vở nhạc kịch có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, phản ánh một vấn đề nhức nhối với cách tiếp cận mới lạ.
EP’19 chinh phục khán giả bằng sự sáng tạo, khả năng sử dụng Anh ngữ thuần thục, khả năng diễn xuất với những màn thoại, hát và nhảy múa chuyên nghiệp đến khó tin đối với học sinh THPT. Bên cạnh đó, đạo cụ sân khấu được các bạn đầu tư công phu đã đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả, góp phần phổ cập rộng rãi thể loại Nhạc kịch – một loại hình sân khấu còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.
(*) "Soundtrack": https://soundcloud.com/
Đây là thành quả của gần 100 học sinh miệt mài làm việc sau giờ học trong suốt 274 ngày. Nhưng có lẽ, thành quả lớn nhất là mỗi bạn đã “lớn lên” như thế nào cùng EP’19. Hãy lắng nghe “người trong cuộc” nói về “Façade” của mình:
Tổng Đạo diễn Nguyễn Hà Hải Chi:
“EP không chỉ là nơi mình có thể thoả sức sáng tạo và làm nghệ thuật một cách chân thành, mà EP còn cho mình một gia đình thật đầm ấm. Không nơi nào mình tìm thấy những con người luôn yêu thương, mở lòng ủng hộ nhau và đều khao khát làm nghệ thuật như Ban Tổ chức của EP. Các anh chị khóa trước luôn bảo mình: “Các em cho EP được bao nhiêu, EP sẽ trả lại các em bấy nhiêu” và chỉ sau khi hết EP, mình mới cảm nhận được đầy đủ câu nói đó”.
Đạo diễn/Giám đốc Âm nhạc Trần Dân Chí:
“Khi đến với EP, được làm việc với những con người kiệt xuất kia, mình có một khát vọng được cống hiến toàn bộ sức lực và thời gian cho một đêm diễn tuyệt vời, và một tình yêu quá lớn để có thể trả lại được cho đội ngũ “Façade”. EP tạo điều kiện cho mình phát huy tối đa khả năng âm nhạc của bản thân và kết quả vô cùng mỹ mãn. Điều mình mất đi là gần chục kilôgam do “stress” và lo sợ rằng, đêm diễn sẽ không được như mong muốn. Điều đấy đã không xảy ra”.
Trưởng ban Âm thanh Ánh sáng Thái Nguyễn Nhật Minh:
“EP19 đơn giản là thứ tuyệt vời nhất 7 năm học Ams của mình. Mình đã học được quá nhiều thứ, thấu hiểu nhau hơn, trở thành một gia đình yêu thương. Điều duy nhất mình mất là “nỗi cô đơn!”. Giao tiếp và học hỏi phát huy cực kỳ quan trọng, EP có thể trôi chảy, ít sạn hơn nữa nếu các bạn giao tiếp với nhau nhiều hơn”.
Đồng Trưởng ban Props Hoàng Khánh Châu:
“Tham gia EP là những buổi chiều ở lại trường đến muộn. Nhưng sau tất cả, mình thấy đó là cuộc đánh đổi mình không bao giờ hối hận. Nhớ nhất lúc làm được cái khung gỗ đầu tiên, cưa gỗ rã cả tay bằng cái cưa cùn, tự mua khoan, khoan gãy mất nửa số đinh, cuối cùng dựng lên được cả tấm khung cao 2,5m thì ai cũng sướng”.
Đồng Trưởng ban Props Phùng Nguyệt Linh:
“Ngày đầu tiên mua khoan và dụng cụ về là hôm vui nhất trong đợt “Pre-production”. Cầm trên tay đồ nghề dù có chút hoang mang không biết mình có đủ khả năng để hoàn thành được công việc hay không nhưng ngày hôm đó là khi ban Props thực sự đã bước ra khỏi giới hạn về vật liệu được đặt ra suốt 8 năm”.
Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Trang Thục Anh:
“Nhờ phép màu EP, mình có cơ hội được tìm hiểu, khám phá bản thân, được trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm, kĩ năng để hoàn thiện mình hơn sau những thử thách và trải nghiệm ở đây. Có rất nhiều công thức dẫn đến thành công của một dự án nghệ thuật, nhưng với EP nguyên liệu của chúng mình là: Đam mê, Niềm tin và Trách nhiệm”.
Đồng Trưởng ban PR Đặng Khánh Vy:
“Thực sự cần lên kế hoạch cụ thể cho mọi thứ để không bỏ sót bất kì chi tiết nào. Lắng nghe và hợp tác là hai thứ quan trọng nhất. Chăm sóc sức khoẻ của bản thân là ưu tiên hàng đầu. Luôn cố gắng để khi sự kiện kết thúc, những gì mình cảm nhận được là một niềm rạo rực để bắt đầu sự kiện tiếp theo”.
Đồng Trưởng ban PR Trần Ngọc Trân:
“Dù hy sinh nhiều đến như thế nào đi chăng nữa, những gì mình nhận lại từ EP khó có thể đong đếm. Đó là cách thuyết phục mọi người qua các phương tiện truyền thông, giữ vững tinh thần trong những khoảng thời gian khó khăn nhất, tập trung vào mặt tích cực và hơn cả là biết nghe để hiểu, để cho đi và nhận lại. EP đã hoàn toàn thay đổi thế giới quan của mình”.
Đồng Trưởng ban Nhân sự Phan Diệu Thuỳ Linh và Phạm Văn Khánh:
“EP cho phép mình có những giấc mơ hoang dại nhất, những ý tưởng táo bạo nhất, những hi vọng điên rồ nhất và làm việc trong EP, sẽ không ai đánh giá bạn khi bạn dám nghĩ tới những điều không thể, thậm chí những người đó sẽ làm việc gấp đôi gấp ba để cùng bạn đạt được ước muốn đó”.
Đồng Trưởng ban Costume Đậu Quỳnh Mai và Đồng Trưởng ban Costume Hoàng Khánh Huyền:
* Đậu Quỳnh Mai: “Mình đã trải qua đầy đủ cảm xúc từ mệt mỏi, cáu bẳn vì “crisis” ban Costume đến vui vẻ và hạnh phúc khi EP thành công. Cá nhân mình thì không có sự mất mát lớn nào, ngoại trừ lúc tất bật đi nửa Hà Nội để hoàn thành nốt phần “costume” thì hơi tốn tiền Grab tí!”
* Hoàng Khánh Huyền: “EP là nơi học hỏi, khám phá và phát triển tiềm năng bản thân, là tiếng cười, niềm vui, là nước mắt, thất vọng, lo âu - nhưng hơn tất cả, EP là gia đình. Mất mát lớn nhất của mình trong quá trình làm EP là 4 kilôgam cân nặng khó khăn lắm mới lên được, còn EP luôn là trải nghiệm trọn vẹn nhất”.
Trưởng ban Tài chính Nguyễn Diệp Anh:
“Biết ơn tập thể 11A2 vì đã làm việc chăm chỉ, đoàn kết suốt một năm trời. Biết ơn 10A2 vì đã nỗ lực, cố gắng, và đã đón nhận tình yêu EP từ các anh chị. Nhưng hơn tất cả mọi thứ, từ tận đáy lòng, cảm ơn “Core” nhiều lắm, vì đã mài lưng làm việc, không quản khó khăn, không kêu ca, than phiền, giúp đỡ nhau, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhau”.
Trưởng ban Biên đạo Nguyễn Ngân Anh:
“EP19 là nơi mọi người trưởng thành và mở mang tầm mắt, là nơi người sẽ trao đi sự yêu thương và nhận được sự yêu thương nhiều hơn đó gấp nghìn lần. Sau EP19, có đứa thì vui vẻ ra khoe mình là làm đúng động tác như đã dạy, có đứa thì khóc nhè buồn thiu vì sai một tí khi lên sân khấu. Đó là khi mà mình nhận thấy rằng mình đã làm tròn trách nhiệm của mình với tư cách là người đi trước: Tạo cảm hứng, niềm đam mê và nhiệt huyết cho tất cả mọi người”.
Phó Đạo diễn Nguyễn Trung Kiên:
“EP làm mình mất đi những thời gian phí phạm và mang đến cho mình những người bạn mới. Trước EP hai ngày, là hôm đầu tiên vào hội trường 700, bọn mình đã dành cả ngày để set up ánh sáng nhưng do bên làm ánh sáng gặp sự cố nên mọi dữ liệu ngày hôm đó đều bị mất. Lúc đấy cả core EP đã thực sự khủng hoảng đến mức mình phát khóc khi bị vấp cầu thang. Mình nghĩ rằng, với mọi dự án, thứ cần nhất là đam mê và sự bình tĩnh, bởi lẽ trong một dự án lớn như vậy, sai sót là điều ko thể tránh khỏi”.
Trưởng ban SWAT (chuyển cảnh) Lê Minh Châu:
“Mọi người đều đã nói về những cái được rồi, mình sẽ nói về cái mất. Mình mất rất nhiều chỗ trong tim để yêu những con người tuyệt vời của EP và vở kịch đỉnh cao của bọn mình”.
Chương trình nhạc kịch English Performance (“fanpafe”: https://www.facebook.com/englishperformance/) là một chương trình thực hành Tiếng Anh thông qua hình thức biểu diễn sân khấu. Trải qua 8 năm, vở Nhạc kịch do các bạn học sinh khối Anh 2 tự xây dựng kịch bản, làm nhạc, dàn dựng sân khấu và học kỹ năng diễn xuất, đã trở thành một trong những đặc sản tinh thần của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. |