'Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' - giảng viên và sinh viên Sư phạm muốn chia sẻ điều gì?

SVVN - “Các bạn sinh viên đang chuẩn bị bước vào ngành Sư phạm, tôi không cam kết đây là một con đường dễ dàng, nhưng tôi cam kết đây sẽ là một con đường vinh quang, giúp bạn hoàn thiện nhân cách bản thân và giúp bạn để lại những dấu ấn phụng sự cho cộng đồng và đất nước” - PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN - chia sẻ với các tân sinh viên ngành Sư phạm.

Mục 6, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu: "Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng…" Nhận được thông tin, nhiều giáo viên, sinh viên ngành Sư phạm không giấu nổi sự phấn khởi, xúc động trước những ưu tiên của Đảng và Nhà nước dành cho sự nghiệp trồng người.

'Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' - giảng viên và sinh viên Sư phạm muốn chia sẻ điều gì? ảnh 1

PGS. TS Trần Thành Nam: "Nghề giáo là một con đường vinh quang, giúp bạn hoàn thiện nhân cách bản thân và giúp bạn để lại những dấu ấn phụng sự cho cộng đồng và đất nước."

PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN - cho rằng: "Đây là một chủ trương nhất quán thể hiện tư tưởng từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến nay, trong đó đã đề ra giải pháp “Xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho người dạy, học. Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Và vì thế, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là sự tiếp nối và cũng là một cách thức để tiếp tục khẳng định vị thế của nhà giáo, tạo nền tảng để nhà giáo có được sự tôn trọng phù hợp từ cộng đồng và nghề dạy học có vai trò xứng đáng trong sự phát triển của quốc gia."

Để sinh viên thêm tự hào với nghề

Nhiều năm qua, ngành Sư phạm luôn nằm trong top 10 ngành có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất. Năm 2024, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành Sư phạm tại các trường đại học tăng gấp đôi (Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2...) và điểm chuẩn ngành sư phạm cũng trở thành điểm nhấn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khi các thí sinh phải trên 9,7 điểm mỗi môn để đỗ ngành Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Lịch sử của HNUE.

Đây là minh chứng cho sức hút lớn của ngành Sư phạm với các thí sinh và gia đình. Sự quan tâm đặc biệt này có sự tác động lớn từ các chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục, đào tạo giáo viên.

Huyền Thương - sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM chia sẻ: "Mình thấy chủ trương của Bộ Chính trị không những tạo điều kiện giúp người giáo viên tăng thêm thu nhập, yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp truyền đạt con chữ mà còn góp phần chứng minh tầm quan trọng không thể thay thế của giáo dục trong xã hội hiện nay.

'Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' - giảng viên và sinh viên Sư phạm muốn chia sẻ điều gì? ảnh 2

"Nghề giáo không những yêu cầu về năng lực, phẩm chất mà còn đòi hỏi khả năng thích nghi và ứng dụng nhanh các phương pháp tiến bộ, khoa học vào giảng dạy. Sinh viên Sư phạm luôn phải cập nhật trước xu thế mới, khi một số công việc giảng và dạy học đang bị thách thức bởi trí tuệ nhân tạo."

Những chính sách ưu tiên ngành Sư phạm trong những năm qua đã giúp sinh viên ngành Sư phạm chuyên tâm học hành, rèn luyện, phấn đấu trở thành một nhà giáo ưu tú".

Với Thuỳ Trinh (giáo viên tại Trường Mầm non Vinschool), tròn một năm sau khi ra trường và trở thành giáo viên, Trinh chia sẻ về nghề giáo: "Với ngành đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên thường xuyên phải đối mặt với nhiều áp lực, vất vả, đang được các Bộ, ngành xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Mình thấy chủ trương mới của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất tích cực với nghề giáo. Chính sách ấy góp phần giảm đi rất nhiều tình trạng giáo viên bỏ nghề vì lương không đủ trang trải cuộc sống, giúp những giáo viên trẻ như mình vững tin vào nghề."

'Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' - giảng viên và sinh viên Sư phạm muốn chia sẻ điều gì? ảnh 3

Năm 2024, ngành Sư phạm tăng 200.000 nguyện vọng so với năm trước, là ngành có số lượng nguyện vọng tăng cao nhất.

Chuyên gia Giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ: "Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên ngành Sư phạm, điều này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về vị thế của người thầy trong những năm qua. Điều này cũng làm nghề sư phạm trở thành một định hướng nghề nghiệp cho nhiều học sinh. Thực tế tỉ lệ dự tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành sư phạm trong những năm qua có xu hướng tăng cao.

'Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất' - giảng viên và sinh viên Sư phạm muốn chia sẻ điều gì? ảnh 4

PGS. TS Trần Thành Nam: "Cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng sinh viên phù hợp để hỗ trợ tài chính cho những người trẻ, có năng lực và đam mê để cam kết cống hiến với ngành nghề."

Cơ chế đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116 rất tiên tiến và phù hợp với chủ trương này nhưng cần tiếp tục tháo gỡ những bất cập để phát huy những điểm ưu việt. Chúng ta cũng cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng sinh viên phù hợp để hỗ trợ tài chính cho những người trẻ, có năng lực và đam mê để cam kết cống hiến với ngành nghề."

PGS. TS Trần Thành Nam nhắn gửi tới các tân sinh viên, sinh viên ngành Sư phạm: "Nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp đặc thù. Đó là một loại lao động mà từ mục đích, đối tượng, công cụ, sản phẩm đều mang những giá trị xã hội và tinh thần sâu sắc. Lao động của nhà giáo biến con người sinh học thành con người xã hội, tức là thành những nhân cách, như là động lực có tính quyết định sự phát triển kinh tế xã hội. Sẽ không có một hệ thống giáo dục nào vượt qua được chất lượng đội ngũ nhà giáo trong hệ thống đó. Đảng và Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện những chính sách để sử dụng, tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục một cách xứng đáng. Luật nhà giáo cũng đang được bàn thảo và sẽ ban hành trong thời gian tới sẽ tạo ra những đường ray bảo vệ quyền lợi cũng như xác lập con đường phát triển nghề nghiệp bền vững cho những người có đam mê và cam kết cống hiến cho lĩnh vực giáo dục. Nếu các bạn sinh viên đang chuẩn bị bước vào con đường này, tôi không cam kết đây là một con đường dễ dàng, nhưng tôi cam kết đây sẽ là một con đường vinh quang, giúp bạn hoàn thiện nhân cách bản thân và giúp bạn để lại những dấu ấn phụng sự cho cộng đồng và đất nước."

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).