Đỗ Thanh (sinh năm 1990) bắt đầu yêu thích ngôn ngữ Hàn từ những năm học trung học cơ sở. Niềm đam mê xuất phát từ việc cô nàng rất thích những idol, nhóm nhạc K-pop. “Âm nhạc Hàn Quốc là cầu nối giúp mình yêu thích ngôn ngữ Hàn và chắp cánh ước mơ du học”, Thanh nói.
Đỗ Thanh. |
Với sự gợi ý của một người bạn thân thiết, Thanh chủ động giành được học bổng và bắt đầu sang Hàn để theo học chương trình thạc sĩ từ cuối năm 2019. Đến năm 2021, sau khi tốt nghiệp, Thanh tiếp tục học lên hệ Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc. Hiện, cô vừa mới kết thúc học kỳ II năm thứ hai, thuộc chương trình học 4 năm.
Thời điểm vừa sang Hàn du học, Thanh đã có nhiều năm kinh nghiệm với công việc biên, phiên dịch tiếng Hàn ở Việt Nam. Cho nên, cô quyết định ứng tuyển và có cơ hội làm việc tốt tại một công ty thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo tiếng Anh, trụ sở tại thành phố Seoul.
“Mình đã làm biên, phiên dịch tại công ty Hàn Quốc trong gần 2 năm. Tại đây, mình phụ trách biên, phiên dịch ở văn phòng, tham dự các cuộc họp và viết báo cáo… Đặc biệt, trải nghiệm đó tình cờ giúp mình nhận ra cá nhân được mọi người tín nhiệm và công nhận năng lực như thế nào. Điều này rất quan trọng”, Thanh chia sẻ.
Cũng theo Thanh, công ty Hàn Quốc có dự án đào tạo IT cho các bạn học sinh tiểu học ở các điểm trường tại Việt Nam. Nhờ mối quan hệ bạn bè, Thanh thường xuyên dẫn đoàn các quản lý người Hàn đến gặp và trao đổi công việc với các chuyên gia đầu ngành, các thầy cô hiệu trưởng các điểm trường Hà Nội. Thời điểm năm 2021, dịch bệnh kéo dài nên dự án về giáo dục tại thị trường Việt Nam của công ty không nhiều tiến triển. Từ chính trải nghiệm riêng, Thanh tạm dừng công việc và có động lực để tiếp tục học lên bậc Tiến sĩ.
Thanh (ngoài cùng bên trái) trong ngày tốt nghiệp Thạc sĩ. |
“Vì muốn theo đuổi công việc liên quan đến lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ Hàn, biên, phiên dịch… mình quyết định chuyển sang ngành Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc. Hiện tại, mình đang được giáo sư đầu ngành tại trường trường ĐH Gachon hướng dẫn viết tiểu luận nghiên cứu so sánh đặc điểm ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Hàn. Dự kiến, cuối năm sẽ nay sẽ hoàn thành”, Thanh nói.
Trong suốt quá trình học tập, Thanh cho biết, mẹ là người bạn luôn ủng hộ cô trong việc học tập, luôn khuyên nhủ Thanh không nên tiếc tiền mua đồ ăn ngon, trải nghiệm thật nhiều thứ mới mẻ ở xứ người… Thời gian đầu du học, Thanh phải tập thích nghi với việc ăn uống, bởi cô không hợp với các món ăn Hàn.
Ở đất nước bản địa, Thanh cố gắng ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe tốt. Những lúc rảnh rỗi hay nhớ gia đình, Thanh tự thưởng cho mình những chuyến đi chơi, cùng mua những món đồ Việt Nam, đi cà phê tán gẫu với bạn bè… Đó là những cách để Thanh giải tỏa căng thẳng và lấy lại tinh thần học tập, làm việc hiệu quả hơn.
Hiện, Thanh là giáo viên giảng dạy các khóa học biên, phiên dịch ngôn ngữ Hàn, tổ chức các lớp học online dành cho các giáo viên Hàn Quốc và Việt Nam. Tác giả sách Tự học biên dịch tiếng Hàn (NXB Hà Nội), quản trị fanpage chia sẻ kiến thức ngôn ngữ Hàn với hơn 113.000 lượt theo dõi…
Chia sẻ về kinh nghiệm học ngôn ngữ Hàn, theo Thanh, khi mới học tiếng Hàn, cô thường áp dụng phương pháp viết tay từ vựng và ngữ pháp. “Mình thường có 2 quyển sổ tay, một quyển ghi chép từ vựng mới, kèm nghĩa tiếng Việt. Quyển còn lại để ghi chú, liệt kê các chủ điểm ngữ pháp. Song song đó, mình dành thời gian rảnh nghe tin tức hoặc audio sách nói bằng tiếng Hàn, luyện thêm kỹ năng nghe…”, Thanh "bật mí".
Nhìn lại hành trình du học, Thanh nói không chỉ học về chuyên môn mà cô còn mở rộng tầm mắt, cởi mở trong suy nghĩ để nhìn các vấn đề ở nhiều khía cạnh. Vì thế, Thanh cho rằng, những ai muốn du học hãy tận dụng mọi cơ hội đến với mình. Câu nói tiếng Hàn mà Thanh lấy làm động lực sống là: “생각하면 꿈에 그치지만, 행동하면 현실이 된다”. Tạm dịch: "Nếu bạn chỉ dừng ở suy nghĩ thì giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ. Nhưng nếu bạn hành động thì giấc mơ đó sẽ trở thành sự thật".
Dự định sắp tới, sau khi tốt nghiệp bậc Tiến sĩ, Thanh mong muốn trở về Việt Nam sống cùng gia đình, tìm kiếm cơ hội tham gia giảng dạy tiếng Hàn trong trường đại học ở Hà Nội, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của cô.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Đỗ Thanh có một vài lời khuyên đến các bạn trẻ: “Các bạn cần xác định rõ mục tiêu học ngôn ngữ Hàn, từ đó, các bạn đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc học nghiêm túc. Khi bắt đầu học bất kỳ một ngôn ngữ mới, cụ thể tiếng Hàn, bạn nên học từ giáo viên có đủ kinh nghiệm để truyền đạt cho bạn những kiến thức nền tảng. Sau khi nắm chắc nền tảng từ vựng và ngữ pháp, các bạn cải thiện các kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
Đồng thời, các bạn hãy trải nghiệm nhiều hơn, có thể là đi du học, có thể là một công việc mà bạn yêu thích. Bởi mỗi trải nghiệm sẽ cho mọi người một câu chuyện để kể, và một kỉ niệm về hành trình trưởng thành để nhớ về".