Hai công trình khoa học được nhận giải thưởng dịp này là: "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19" do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất. Công trình thứ hai được trao thưởng, trị giá 50.000 USD là “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa” của PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cộng sự đến từ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.
PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng hiện là Trưởng Khoa Công nghệ Hóa, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Công trình Sấy thăng hoa đã được ông ấp ủ và thực hiện trong suốt 20 năm qua. Để tạo thế chủ động cho sản xuất trong nước và thay thế sản phẩm nhập ngoại, PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì một nhóm các nhà khoa học tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chế tạo thành công 10 phiên bản từ DS-1 đến DS-10, với các tính năng vượt trội.
Sấy thăng hoa là quá trình tách nước ra khỏi sản phẩm từ thể rắn (lạnh đông) sang thể hơi trong điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất dưới điểm ba thể 0 (0,0098 độ C, 4,58mmHg), nhiệt độ dưới điểm kết tinh của ẩm trong sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm sau khi sấy gần như vẫn giữ nguyên được chất lượng tự nhiên ban đầu của nguyên liệu, đặc biệt khi ngâm vào nước sẽ hoàn nguyên trạng thái ban đầu của nguyên liệu.
Hiện nay, công trình nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự đã được chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong cả nước và nhiều nước Đông Nam Á. Sấy thăng hoa góp phần tiết giảm tối đa chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm sấy của doanh nghiệp Việt Nam. Công trình của PGS. TS Nguyễn Tấn Dũng và cộng sự được đánh giá cao về tính ứng dụng và đóng góp nổi bật vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đoạt giải thưởng Bảo Sơn trị giá 50.000 USD.
Giải thưởng Bảo Sơn là giải thưởng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn và của Quỹ Giáo dục Bảo Sơn, do Bộ GD - ĐT bảo trợ và tổ chức để trao tặng cho cá nhân người Việt Nam là tác giả, nhóm tác giả của các công trình nghiên cứu khoa học thuộc 5 lĩnh vực: Cải cách giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y - dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Văn học - đã được ứng dụng có hiệu quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam.