Buổi tọa đàm với sự tham dự của nhiều đơn vị có chuyên môn cao về âm nhạc dân tộc và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các thể loại âm nhạc truyền thống như: NSƯT Ngô Tuyết Mai, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Hải Phượng, TS Mai Mỹ Duyên...
Toạ đàm đã mang đến những kiến thức về âm nhạc dân tộc, tình hình phát triển và vai trò của âm nhạc dân tộc học đường trong đời sống nói chung và giới trẻ nói riêng. Đồng thời, tại toạ đàm, các chuyên gia khách mời và các đơn vị chuyên môn đã tiến hành trao đổi về thực trạng của việc thực hiện chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” giai đoạn 2015 – 2020 qua đó gợi hướng mô hình, giải pháp phát triển âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên nhiệm kỳ VI (2020 – 2023).
Rất đông sinh viên cùng tham dự buổi tọa đàm.
Chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” đã được Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM tổ chức thực hiện từ năm 2015 tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Trong 5 năm, Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM đã tổ chức gần 50 hội thảo tại các trường, ký túc xá. Bình quân mỗi buổi thu hút được 300 sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa sinh viên TP. HCM cũng đã tổ chức được 40 buổi dạy hát, dạy nhạc cụ dân tộc cho 2.000 sinh viên; thành lập mới, hỗ trợ tái hoạt động 20 câu lạc bộ bảo tồn Âm nhạc dân tộc; tập huấn cho 100 câu lạc bộ văn nghệ về giá trị của âm nhạc dân tộc…
Một tiết mục về hát Quan họ Bắc Ninh được biểu diễn trong buổi tọa đàm.
Cuối buổi tọa đàm, các bạn sinh viên còn có cơ hội bày tỏ nguyện vọng và suy nghĩ của bản thân về vấn đề âm nhạc dân tộc trong học đường cùng các chuyên gia khách mời.
Tọa đàm cũng là dịp để đánh giá việc thực hiện chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên TP. HCM lần V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và gợi hướng mô hình, giải pháp phát triển âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên, nhiệm kỳ VI (2020 – 2023). Hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên TP. HCM lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2023.