Nếu bạn nghĩ, công nghệ AI chỉ dành cho dân kỹ thuật hoặc các tập đoàn lớn, thì ba bạn trẻ này sẽ khiến bạn nghĩ lại. Không phải kỹ sư, không phải dân IT, họ vẫn tạo ra một bảo tàng số sống động về hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tất cả trong 3 ngày, không viết một dòng code nào.
![]() |
Người trẻ ‘dựng bảo tàng số’ về Bác Hồ chỉ sau 3 ngày nhờ GenAI. |
Trang web https://chutich-hochiminh.lovable.app/ là thành quả của nhóm học viên Trần Quang Hưng, Nguyễn Tuấn Đạt và Hà Huy Hoàng – những gương mặt tiêu biểu từ chương trình 'HUB GenAI Future Founders 2025', do Cung Thanh niên Hà Nội chỉ đạo, HUB Network tổ chức.
Từ mong muốn “đưa lịch sử lên mạng”
“Bọn mình đều là dân ngoại đạo công nghệ, nhưng đều có chung một nỗi niềm là: Học lịch sử từng rất khô khan. Vậy nếu mình kể lại bằng một cách hấp dẫn, trực quan hơn – liệu có khiến người trẻ tò mò và thấy gần gũi hơn không?”, anh Trần Quang Hưng, đại diện nhóm, chia sẻ.
![]() |
Từ ý tưởng đó, nhóm bắt tay vào hành trình “số hóa lịch sử”, với công cụ AI. Họ thu thập tài liệu từ nhiều nguồn uy tín, sau đó dùng AI để xử lý, phân loại và chuyển hóa thành nội dung cô đọng, dễ hiểu. Với nền tảng Lovable, họ thiết kế giao diện tương tác, dựng nên từng chặng hành trình của Bác Hồ từ Nghệ An, qua bến Nhà Rồng, rồi chu du qua hơn 30 quốc gia để tìm ra con đường cứu nước.
Tất cả hoàn thiện trong 72 tiếng.
Hành trình Bác đi – giờ có thể xem trên điện thoại
Mỗi mốc thời gian trên website như một trạm dừng – người xem có thể bấm vào để đọc câu chuyện, xem ảnh, đọc trích dẫn lời Bác, hoặc đơn giản là đi theo dấu chân của Người qua bản đồ.
![]() ![]() ![]() |
Không dài dòng, không hàn lâm, mọi thứ đều được trình bày nhẹ nhàng, gần gũi – giống như bạn đang nghe một người kể chuyện hơn là đọc sách giáo khoa.
“Bọn mình muốn website không chỉ là nơi để tìm hiểu, mà còn là nơi để cảm nhận lịch sử. Thay vì học thuộc, người trẻ sẽ nhớ nhờ cảm xúc”, Hoàng nói.
Khi GenAI giúp người trẻ kể chuyện dân tộc
Dự án nằm trong chuỗi hoạt động của 'HUB GenAI Future Founders 2025' – chương trình giúp 50 bạn trẻ phát triển tư duy khởi nghiệp và sử dụng GenAI để tạo ra sản phẩm thực tế. Chỉ sau một tháng, chương trình đã cho ra mắt 26 sản phẩm AI có thể sử dụng ngay, và bảo tàng số về Bác Hồ là một trong những dự án nổi bật.
![]() |
“Bọn mình tin rằng, GenAI không chỉ là công nghệ để kiếm tiền, mà còn là công cụ để gìn giữ văn hóa, lịch sử và truyền cảm hứng”, Tuấn Đạt bày tỏ.
Dự án được đề cử tham dự 'Hub Challenge 2025', cuộc thi khởi nghiệp quốc tế, và sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator).
Một món quà nhỏ gửi về quá khứ
Dự án ra mắt đúng dịp 135 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2025) và 114 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2025). Đó là món quà nhỏ nhưng ý nghĩa mà người trẻ gửi tặng lịch sử – không bằng hoa hay tượng đài, mà bằng ngôn ngữ của thời đại mình: Công nghệ.
“Dùng GenAI để làm điều gì đó ‘rất người’ – đó là lý do bọn mình bắt đầu”, anh Trần Quang Hưng nói.