Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động “Ngày sinh viên TP. HCM sáng tạo năm 2021”.
Chia sẻ tại chương trình, PGS. TS Thoại Nam cho biết: “Việc xây dựng đô thị thông minh là một hành trình dài và không hề dễ dàng. Nhận ra được những vấn đề tồn tại, TP. HCM với vai trò là một đơn vị tiên phong đã bắt đầu xây dựng kế hoạch từ năm 2017”.
Theo PGS. TS Thoại Nam, ngay từ những bước đầu, TP. HCM đã xác định được các vấn đề quan trọng để xây dựng bốn trụ cột đầu tiên trong việc xây dụng thành phố thông minh. Thứ nhất, thành phố đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở đặt tại Khu phần mềm Quang Trung. Thứ hai là xây dựng trung tâm điều hành thông minh nhằm sử dụng các dữ liệu số phục vụ cho việc điều hành thành phố một cách hợp lý. Thứ ba, thành phố đã và đang tiếp tục xây dựng, phát triển trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế và xã hội nhằm phục vụ công tác dự báo trong tương lai. Cuối cùng, thành phố đã hình thành đơn vị Công ty cổ phần An ninh phục vụ cho vấn đề kiểm soát an toàn thông tin trong điều kiện xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng sử dụng dữ liệu số. “Đây chính là những nền móng vững vàng trong hành trình xây dựng một TP. HCM thông minh” – ông Thoại Nam nhấn mạnh.
PGS. TS Thoại Nam chia sẻ tại chương trình. |
Cũng trong chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - Đô thị thông minh”, khách mời Nguyễn Khánh Tùng (Ủy viên BCH Hội Sinh viên TP. HCM, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM) đã chia sẻ về những trải nghiệm mà anh có được khi có cơ hội đến với tỉnh Osaka - một trong những thành phố thông minh của Nhật Bản trong chương trình giao lưu giữa TP. HCM và tỉnh Osaka. “Mình đã rất ấn tưọng với tốc độ chạy của tuyến tàu Metro trong lần đầu tiên sử dụng phương tiện này để di chuyển về chỗ ở. Không chỉ có tốc độ ấn tượng, sự chuẩn xác về mặt thời gian giữa các chuyến tàu cũng khiến mình bất ngờ”, anh Nguyễn Khánh Tùng nói.
Anh Nguyễn Khánh Tùng còn cho biết thêm rằng, tại Osaka, Wi-Fi công cộng được trang bị ở khắp mọi nơi nhằm hỗ trợ người dân trong các vấn đề công việc, giao tiếp: “Sự kết nối thông minh giữa một thành phố bắt nguồn từ việc con người có thể sử dụng triệt để và không bị gián đoạn chiếc điện thoại thông minh”.
Bàn về vai trò của các bạn sinh viên trong việc xây dựng TP. HCM thành một đô thị thông minh, PGS. TS Thoại Nam cho rằng, người trẻ là nguồn nhân lực chính và chất lượng nhất trong công cuộc xây dựng này của thành phố: “Một đô thị thông minh cần có những công dân thông minh. Để đạt được điều này, các bạn trẻ cần phải liên tục trau dồi kiến thức trong tình hình phát triển nhanh của xã hội. Chỉ khi làm được điều đó, các bạn mới trở thành một người hữu ích, đóng góp cho xã hội”.