Từ tình yêu thuở ấu thơ
Võ Văn Luân (28 tuổi, An Giang) là một trong những nghệ nhân múa rối nước trẻ tuổi nhất tại đoàn múa rối Rồng Phương Nam (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, TP. HCM). Tuy mới gia nhập đoàn được hai năm, nhưng Luân đã nhanh chóng khẳng định tài năng và được Nhà hát tin tưởng giao cho nhiều vai diễn quan trọng. Trong vở Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Luân đảm nhận vai chính Nguyễn Trung Trực. Sắp tới đây, Luân cũng lần lượt đảm nhiệm hai vai chính của cả hai vở được chuẩn bị để phục vụ Tết Nguyên đán.
Việc theo đuổi nghệ thuật múa rối nước xuất phát từ chính những cảm xúc thân thuộc và tình yêu của Luân với bộ môn này. Thuở nhỏ, khi chỉ mới là cậu bé thỉnh thoảng được mẹ dắt đi xem múa rối nước, Luân đã hứng thú với những con rối được thả hồn bởi những nghệ nhân sau bức mành, đã ngắm nhìn sân khấu với niềm say mê bất tận. Chính sự tò mò và niềm say mê ấy đã dẫn dắt Luân đến với bộ môn nghệ thuật này, để rồi có cơ duyên trở thành thành viên của đoàn Múa rối Rồng Phương Nam.
Các diễn viên hoá thân thành con rối ngụp lặn trên mặt nước. |
Phương Thuý, 27 tuổi, cũng là một trường hợp đến với múa rối nước từ ước mơ thuở nhỏ. Thuý theo học múa rối chuyên nghiệp tại trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau bốn năm học tập, Thuý vào Nam, đầu quân cho đoàn Múa rối nước Rồng Phương Nam đến nay cũng đã 3 - 4 năm.
Sau từng ấy năm luyện tập và làm việc, Luân và Thuý đã được Nhà hát tin tưởng trao cơ hội để hai nghệ sĩ trẻ đảm nhận những vai diễn quan trọng. Gần như bất cứ vở diễn nào của Nhà hát, bóng dáng hai bạn trẻ vẫn hiện hữu sau những con rối nước, hoá thân thành những nhân vật với nhiều câu chuyện mang đậm thông điệp tốt đẹp về nhân sinh.
Võ Văn Luân là một trong những diễn viên mới nhất của đoàn. |
Đem múa rối nước đến gần hơn với công chúng
Tại Nhà hát Phương Nam, mỗi suất diễn kéo dài 60 phút, cũng là ngần ấy thời gian các diễn viên múa rối ngâm mình dưới nước, phục vụ khán giả, dù là sáng sớm hay chiều muộn, dù tiết trời đang nóng gắt hay lạnh giá. Việc ngâm mình dưới nước để diễn và tập luyện làm da, đặc biệt là da tay của Phương Thuý thường xuyên bị bong tróc vì nước ăn. Với các diễn viên nam, việc tập luyện trong thời gian dài với các con rối tương đối nặng do ngấm nước đòi hỏi các nghệ nhân phải có thể lực tốt.
Phương Thuý (thứ ba, từ phải sang) và đồng đội trong một suất diễn đầu năm mới. |
Ngoài ra, để cho ra đời một vở kịch hoàn thiện, Luân, Thuý và đồng đội phải tập luyện ít nhất ba tháng. Đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì, cùng thái độ nghiêm túc với nghề. “Nghề nào cũng có cái khó riêng của nó, múa rối nước cũng vậy. Chỉ cần mình có đam mê, hết lòng trong công việc, thì khó khăn nào mình cũng có thể vượt qua”, Luân bày tỏ.
Luân cho biết thêm, trước khi mới chập chững vào nghề, anh cũng hiểu lầm rằng múa rối nước là sân chơi của những anh chị dày dặn kinh nghiệm. Nhưng khi tiếp xúc với nó rồi, Luân nhận ra vẫn có rất nhiều bạn trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Còn với Phương Thuý, cô khẳng định, múa rối nước không hề cũ, nhạt và thiếu hấp dẫn với người trẻ. Mà ngược lại, nó vẫn mang đậm bản sắc văn hoá không phai nhòa bởi thời gian, chính giá trị ấy là thứ níu lại thế hệ diễn viên trẻ hết lòng vì múa rối nước, dù ở miền Bắc - nơi bắt nguồn của rối nước, hay tại miền Nam, với nhịp sống sôi động.
Khán giả trẻ xem múa rối nước. |
Vào cuối tuần, tại Nhà hát Phương Nam, có rất nhiều người trẻ đến thưởng thức các vở diễn của đoàn. Không những vậy, lượng khách nước ngoài du lịch tại TP. HCM cũng là một lượng lớn khán giả, họ có nhiều hứng thú với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.
Đến với múa rối nước không chỉ vì tiền bạc hay danh vọng, Văn Luân và Phương Thuý bày tỏ mong muốn lớn nhất của mình là là góp sức vào việc giữ gìn, lan tỏa và phát triển loại hình múa rối nước truyền thống của dân tộc. Tình yêu với múa rối nước ở Luân là điều không thể phủ nhận, bởi câu nói mà anh vẫn nhắc khi trò chuyện: “Múa rối thì nước nào cũng có, duy chỉ có múa rối nước là của riêng Việt Nam mình. Mình muốn giữ mãi nét đẹp truyền thống của múa rối nước. Bởi múa rối nước xứng đáng với tình yêu của khán giả, khi đã nỗ lực lưu truyền và phát triển trong dòng chảy lịch sử hơn trăm năm qua”.