Trường ĐH Tôn Đức Thắng thông báo xét tuyển bổ sung (nhận hồ sơ đến ngày 5/9) qua các phương thức: Xét kết quả học tập THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét kết quả bài thi Đánh giá năng lực năm 2024 của ĐHQG TP. HCM. Ở chương trình chuẩn, trường xét tuyển bổ sung vào các ngành Khoa học Môi trường, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Bảo hộ lao động, Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông. Chương trình chất lượng cao, chương trình đại học bằng tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng xét tuyển bổ sung. Ngoài ra, phân hiệu của trường này tại tỉnh Khánh Hòa cũng tuyển thêm chỉ tiêu ở một số ngành.
ĐH Kinh tế TP. HCM cho biết, sẽ xét tuyển bổ sung cho Phân hiệu Vĩnh Long, với các chương trình/ngành đào tạo như: Thuế, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo (hệ Kỹ sư), Kinh doanh Nông nghiệp, Quản trị Khách sạn... Chỉ tiêu bổ sung mỗi ngành từ 10 - 25, với 2 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp (25% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (điểm bài thi/môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển).
Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (MIT) thông báo xét tuyển bổ sung 15 ngành đào tạo, đến ngày 30/9.
Thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM). |
Trường tuyển bao gồm các ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ Tài chính, Dược học, Thú y, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Đông phương học, Quản trị Kinh doanh, Kế toán; Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, Luật Kinh tế; Digital Marketing và Quản lý Công nghiệp.
Đợt xét tuyển bổ sung này trường thực hiện theo cả 3 phương thức gồm: Xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu. Trường xét tuyển bằng cả học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Ngành Công nghệ thông tin của trường nhận hồ sơ điểm thi tốt nghiệp từ 18 điểm, học bạ từ 20 điểm. Các ngành còn lại lấy lần lượt 16 và 18 điểm.
Trường ĐH Hoa Sen cần tuyển thêm 1.500 sinh viên cho 30 ngành bằng điểm thi tốt nghiệp, học bạ hoặc theo phương thức Đánh giá năng lực. Với việc xét bằng điểm thi tốt nghiệp, trường nhận hồ sơ với mức điểm thấp nhất là 15 điểm ở 4 ngành: Nghệ thuật số, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng còn chỉ tiêu ở tất cả ngành học và nhận hồ sơ đến ngày 31/8 với ba phương thức tương tự trường ĐH Hoa Sen. Mức điểm xét tuyển bổ sung tương đương với mức chuẩn nhà trường đã công bố vào ngày 17/8. Trong đó, ngành Y khoa yêu cầu 23 điểm, Răng - Hàm - Mặt là 22,5 điểm; Y học cổ truyền và Dược học có cùng mức điểm 21 điểm. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Y học dự phòng 19 điểm. Các ngành học còn lại lấy từ 15 điểm.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho rằng, việc nhiều trường đại học phía Nam vừa nhận hồ sơ xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển vừa thông báo xét tuyển bổ sung là do số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu. Bên cạnh đó, số thí sinh nhập học thực tế cũng ít hơn số trúng tuyển. “Đợt xét tuyển bổ sung này không theo lịch trình chung của Bộ GD - ĐT mà do các trường quy định nên thí sinh cần chú ý các mốc do trường quy định để hoàn thành hồ sơ xét tuyển”, ông Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý.
Việc nhiều trường xét tuyển bổ sung mở ra cơ hội cho thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển vừa qua, kể cả những thí sinh trúng tuyển nhưng muốn tìm cơ hội khác tốt hơn.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường ĐH Công Thương TP. HCM cho rằng, cách thức đăng ký xét tuyển đại học đã ổn định nhiều năm nay, song thực tế vẫn có những thí sinh đăng ký xét tuyển không phù hợp dẫn đến không trúng tuyển. Việc các trường công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các ngành chính là tạo thêm cơ hội cho thí sinh.