Chủ động, linh hoạt
Điểm đến đầu tiên là trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp. PGS. TS Nguyễn Duy Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ngày 8 - 10/2, khoảng 2.500 sinh viên năm thứ 3, 4 đã trở lại trường học tập trung. Trước mắt, nhà trường tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu và bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2. Riêng 3.500 sinh viên năm thứ 1, 2 tạm thời học trực tuyến.
“Căn cứ vào thực tế, nhà trường sẽ tổ chức đón toàn bộ sinh viên, học viên trở lại học tập trung trong thời gian tới”, PGS. TS Nguyễn Duy Cương nói, đồng thời cho biết: Tất cả sinh viên trở lại trường đều được test COVID-19. Trước khi lên giảng đường (ngày 14/2), sinh viên sẽ test lại lần nữa. Ngoài ra, nhà trường có kế hoạch test định kỳ cho sinh viên và chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, sát khuẩn.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Hoàng Minh Sơn kiểm tra ký túc xá sinh viên tại ĐH Thái Nguyên. |
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Duy Cương, trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết nhằm ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra khi sinh viên trở lại học trực tiếp. Hiện, nhà trường dành riêng một khu để cách ly F0 (nếu có). Với những trường hợp đặc biệt, đội ngũ y tế sẽ chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để ứng phó kịp thời.
Tại trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, công tác chuẩn bị đón sinh viên trở lại học trực tiếp đã được chuẩn bị chu đáo. Báo cáo với đoàn công tác, TS Đỗ Đình Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ngày 7 - 13/2, sinh viên đã được triệu tập trở lại trường. Trước mắt, nhà trường vẫn tổ chức đào tạo trực tuyến. Từ ngày 14/2, sẽ tổ chức đào tạo tập trung cho khoảng 5.000 sinh viên, với 185 học phần.
“Nhà trường chỉ tổ chức đào tạo trực tiếp cho giảng viên và sinh viên đủ điều kiện bảo đảm an toàn về sức khoẻ trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, chủ động đào tạo theo mô hình trực tiếp, kết hợp trực tuyến; ưu tiên đào tạo tập trung các học phần thực hành”, TS Đỗ Đình Cường nhấn mạnh.
GS. TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, để hỗ trợ sinh viên quay trở lại học trực tiếp, ĐH Thái Nguyên đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị đào tạo, hỗ trợ sinh viên, lấy ý kiến phản hồi, rà soát chương trình và có kế hoạch đào tạo bù đắp kiến thức, kỹ năng, tư vấn tâm lý cho sinh viên. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác truyền thông, khen thưởng cán bộ, giảng viên, sinh viên có thành tích cao trong công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, mỗi trường đại học thành viên đều xây dựng đề án về việc đón sinh viên trở lại học tập trung; trong đó nêu rõ phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Trao đổi về một số khó khăn mà ĐH Thái Nguyên đang gặp phải, GS. TS Phạm Hồng Quang nhìn nhận, một số kí túc xá được trưng dụng làm khu cách ly của tỉnh đã xuống cấp. Công tác cập nhật thông tin giữa các đơn vị đào tạo và địa phương về tình hình tiêm vắc xin cho người học còn gặp khó khăn.
Quyết tâm đón sinh viên trở lại trường
Ghi nhận và đánh giá cao công tác chủ động của các trường thành viên nói riêng và ĐH Thái Nguyên nói chung, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận: Ở đây, có sự chỉ đạo thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương. Các trường thành viên có sáng kiến, sáng tạo, linh hoạt trong việc đón sinh viên và tổ chức đào tạo sau khi sinh viên trở lại trường học tập trung; trong đó có việc các trường xây dựng thành đề án, với những kịch bản, phương án chi tiết khi có tình huống F0.
Thứ trưởng nhấn mạnh, qua kiểm tra cho thấy, tinh thần của sinh viên, cán bộ giảng viên đã sẵn sàng trở lại học dạy - học trực tiếp. Bộ GD - ĐT cũng ghi nhận những đề xuất của các thầy cô giáo; trên cơ sở đó có chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học khác, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và nhà trường.
Thứ trưởng đề nghị, ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên cần thể hiện quyết tâm cao hơn và mạnh dạn hơn nữa trong việc đón học sinh trở lại trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các lớp học hiệu quả.
“Quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Các trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng với nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là xử lý một số tình huống lây nhiễm COVID-19 (nếu có)”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lưu ý các trường cần thực hiện tốt công tác truyền thông, Thứ trưởng cho rằng, thông qua việc này để cán bộ, giảng viên, sinh viên chủ động ứng phó trước các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Quan trọng là, dù bất cứ tình huống nào cũng có phương án chủ động, linh hoạt thích ứng; từ đó phụ huynh mới yên tâm khi con em họ trở lại trường học tập.
Thứ trưởng đề nghị, khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm mũi 2, 3 cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.