Năm 2016, các chuyên gia nghiên cứu Đại học RMIT từng công bố nghiên cứu chỉ ra rằng, gạch đất sét với 1% thành phần là đầu lọc thuốc lá tái chế có độ chắc chắn tương đương gạch thông thường và cần ít năng lượng sản xuất hơn.
Phân tích của họ cho thấy chỉ cần 2,5% sản lượng gạch hàng năm trên toàn cầu có 1% thành phần là đầu lọc thuốc lá thì sẽ đối trọng được với tác hại ra môi trường từ việc sản xuất thuốc lá mỗi năm.
Nhóm nghiên cứu hiện đã phát triển một kế hoạch chi tiết để kết nối ngành sản xuất gạch và quản lý rác thải với nhau, nhằm tái chế đầu lọc thuốc lá thành gạch trên quy mô lớn.
Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Phó giáo sư Abbas Mohajerani cho biết đầu lọc thuốc lá tẩm nhiều hoá chất độc hại, trong đó có hơn 60 loại được cho là nguyên nhân dẫn đến ung thư.
Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Phó giáo sư Abbas Mohajerani và gạch làm từ đầu lọc thuốc lá. (Ảnh: RMIT)
“Đốt cháy đầu lọc làm gạch là phương thức đáng tin cậy và thực tế để đối phó với vấn đề môi trường khủng khiếp hiện nay và cũng giúp cắt giảm chi phí sản xuất gạch”, Phó giáo sư Mohajerani cho hay. “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc ô nhiễm đường phố, sông ngòi và đại dương từ đầu lọc thuốc lá, đồng thời ngăn chặn việc chất độc hại trong đầu lọc thuốc lá thấm vào môi trường”.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là một thế giới không còn ô nhiễm đầu lọc thuốc lá. Kế hoạch thực hiện cho các ngành liệt kê ra các bước thực tế cần thiết để đưa tầm nhìn này vào thực tế”.
Được công bố trên ấn bản đặc biệt của tạp chí khoa học Materials, kế hoạch chỉ ra cách thu gom đầu lọc thuốc lá và tái chế trên quy mô công nghiệp.
Các phương pháp phối hợp khác nhau được vạch ra gồm có: dùng cả đầu lọc, cắt vụn đầu lọc trước khi sản xuất, hoặc đầu lọc được trộn lẫn vật liệu làm gạch trước khi sản xuất.
Yêu cầu duy trì sức khoẻ và an toàn cũng được vạch ra chi tiết một cách có hệ thống, bao gồm cách giảm thiểu nguy hiểm trong cả quy trình sản xuất gạch công nghiệp và thủ công.
Lần đầu tiên, nghiên cứu mới này còn chỉ ra các loại vi khuẩn độc hại tìm thấy trên đầu lọc thuốc lá, phân tích cách thức kim loại nặng từ đầu lọc rò rỉ ra môi trường như thế nào và xem xét giá trị năng lượng của đầu lọc trong quy trình làm gạch.
Tiết kiệm năng lượng
Bằng cách phân tích giá trị năng lượng của đầu lọc, nhóm nghiên cứu từ Khoa Kỹ thuật Đại học RMIT chỉ ra rằng việc kết hợp 1% lượng đầu lọc thuốc lá vào sản xuất gạch sẽ giúp giảm năng lượng cần thiết để nung gạch xuống 10%.
Phó giáo sư Mohajerani cho biết: “Cần tới 30 tiếng để làm nóng và nung gạch nên đây là khoản tiết kiệm tài chính đáng kể”.
Cần nhiều năm để đầu lọc thuốc lá rã ra, trong khi các kim loại nặng như asen, crom, niken và cadimi tồn đọng trong màng lọc sẽ rỉ vào đất và đường nước.
Tuy nhiên, suốt quá trình đốt nóng, những kim loại và chất ô nhiễm này sẽ bị chặn và giữ lại trong gạch.
Gạch làm từ đầu lọc thuốc lá còn nhẹ hơn và cách nhiệt tốt hơn – có nghĩa sẽ giảm chi phí sưởi ấm và làm mát cho các hộ gia đình.
Thống kê cho thấy hơn sáu ngàn tỉ điếu thuốc lá được sản xuất mỗi năm trên toàn cầu và thải ra 1,2 triệu tấn rác thải độc hại vào môi trường. (Ảnh: Lindsay Fox - EcigaretteReviewed.com)
Phó giáo sư Mohajerani, người dành ra hơn 15 năm nghiên cứu các phương thức bền vững để tái chế đầu lọc thuốc lá còn phát triển ra công nghệ đưa đầu lọc thuốc lá vào nhựa đường.
Ông cho biết những giải pháp kỹ thuật này cần được hỗ trợ bởi các bộ luật nghiêm ngặt và những mức phạt nghiêm khắc hơn cho hành vi xả rác.
“Chính quyền địa phương sẽ cần cung cấp các thùng rác đặc biệt hơn cho đầu lọc thuốc lá, để vừa phòng tránh xả rác, vừa giúp việc thu gom chúng cho quy trình làm gạch trơn tru hơn”, ông nói. “Ước mơ của tôi là đưa trang thiết bị làm gạch tái chế chuyên biệt đến mọi quốc gia, giúp tái chế đầu lọc thuốc lá và giải quyết vấn đề ô nhiễm”.
Nghiên cứu “Thực hiện tái chế đầu lọc thuốc lá thành gạch có trọng lượng nhẹ và Đề xuất chấm dứt vấn đề xả đầu lọc thuốc lá ở các thành phố”, với nghiên cứu sinh tiến sĩ y khoa và nghiên cứu viên chính Tareq Rahman, được công bố trên Materials, một ấn bản đặc biệt tập trung vào công nghệ bền vững mới để tái chế rác thải.