Ngày đó, sống trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh nên từ nhỏ bà Mẫn đã có ý thức và trách nhiệm muốn đóng góp công sức cho nước nhà. Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng bà Mẫn rủ em gái cùng tham gia hoạt động cách mạng. Vốn được học võ từ nhỏ, lại thêm tính cách gan dạ, muốn trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc nên bà xin gia nhập Vệ Quốc đoàn.
Tuy nhiên, đơn vị này chỉ nhân nam quân nhân nên bà phải tìm cách giả trai. Bằng nhiều cách, từ cắt tóc ngắn, quấn chặt ngực, tập thay đổi dáng đi, giọng nói, rèn luyện thể lực, bà Mẫn “biến” mình giống con trai nhất có thể. Cái tên Trần Thị Sáu nhường cho cái tên Trần Quang Mẫn ra đời từ đó. Đầu năm 1946, bà Mẫn trở thành tân binh của Trung đội 1, Đại đội 70, Chi đội 124 của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Nam giới đi đánh giặc vốn đã cực khổ, người cải trang như bà càng khổ hơn. Mỗi tháng, sắp tới ngày của phụ nữ, bà lấy rau dăm giã nát, đổ rượu trắng vào uống nửa chén. Đây là "bài thuốc" bà học lóm từ người chị lớn. Áo quần mặc phải rộng hơn, ngủ trong nóp, tắm phải dòm trước ngó sau. Cũng may là sau một ngày đánh giặc mệt mỏi, mạnh ai nấy nhảy ào xuống sông tắm cho nhanh lên nghỉ nên không ai chú ý đến "anh" Mẫn da trắng trẻo như con gái.
“Lần đầu tiên được ôm cây súng, thấy nặng nhưng khoái lắm. Súng của Đức hai ký mấy lận. Riết rồi thấy quen. Lần lần tập bắn súng máy, tập tháo ráp, trườn bò, đứng bắn, nằm bắn, tập xáp lá cà, đâm lê... Rồi hành quân ban đêm. Có bữa đi vài ba cây số, có khi đi mười mấy cây số cũng có. Đàn ông làm gì mình làm vậy” - má Sáu Mẫn cười khi hồi tưởng chuyện quá khứ.
Sau mấy lần được giao nhiệm vụ đi trinh sát dẫn bộ đội đánh đồn, chỉ sau mấy tháng nhập ngũ, chiến sĩ Trần Quang Mẫn đã được kết nạp Đảng. Khi đó Mẫn vừa tròn 18 tuổi. Vốn là người gan dạ, thông minh, Sáu Mẫn được cử đi học sĩ quan ở Trường Quân chính Quang Trung. Năm 1947, trở về đơn vị, cô chỉ huy đại đội 70 (Đại đội Cảnh vệ - sau này là Trung đoàn 124, thuộc Quân khu 9). Khi đó, “anh” Trần Quang Mẫn 21 tuổi.
Cho đến một ngày, người bộ đội ở tiểu đoàn 401 (bộ đội địa phương huyện Phú Quốc) tên Nguyễn Văn Bé (Mười Bé) đi tìm “cô” Trần Quang Mẫn đòi cưới vì đó là người vợ đã được hứa hôn. Một đám cưới kỳ lạ đã diễn ra. “Mấy bà má cứ theo hỏi hoài. Tui cười biểu chừng đó má hay. Tới chừng vô làm đám tuyên bố, mấy đứa con nít la dữ lắm: Đàn ông mà đi cưới đàn ông”, bà kể. Đám cưới, cô dâu chú rể đều mặc đồ bộ đội của nam. Không áo cưới, không hoa, không cả quà cưới. Đơn vị tuyên bố. Mấy bà má nấu bánh canh, nấu chè mừng cho đôi trẻ...
Biên tập nội dung: T.LN
Hình ảnh: Đặng Kim Phương - Tư liệu
Thiết kế: T.LN
Concept: T.COB