Bảng xếp hạng các đại học thuộc các nền kinh tế mới nổi sử dụng các chỉ số tương tự Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới của THE, tập trung chủ yếu vào các khía cạnh về giảng dạy (chiếm trọng số 30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu chiếm 20%), triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu chiếm 10%) và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức chiếm 10%). Tuy nhiên, những tiêu chí này được điều chỉnh để phù hợp mục tiêu ưu tiên phát triển của các trường đại học từ các nền kinh tế mới nổi.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp vị trí thứ 82 trong bảng xếp hạng. |
Ở kỳ xếp hạng đại học tại các nền kinh tế mới nổi năm 2022 của THE, có 906 trường tham gia nhưng chỉ có 698 trường thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Việt Nam có 5 đơn vị được Times Higher Education (THE) xướng danh trong bảng xếp hạng đại học thuộc các nền kinh tế mới nổi (Emerging Economies) năm 2022, công bố vào ngày 19/10.
2022 là kỳ xếp hạng thứ ba Việt Nam có đại diện góp mặt. So với hai năm trước, Việt Nam có thêm hai trường là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân.
Năm 2022, Việt Nam có thêm 2 trường lọt vào bảng xếp hạng EE. |
Trong đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng giữ vị trí 82, cao nhất trong số 5 trường ở Việt Nam, trường ĐH Duy Tân vị trí 107. Hồi tháng Chín, đây là hai trường ĐH của Việt Nam gây bất ngờ khi lọt vào Top 401 - 500 trường ĐH tốt nhất thế giới của THE.
Ba trường còn lại của Việt Nam đã góp mặt ở các kỳ trước là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong đó, ĐHQG Hà Nội thuộc nhóm 301 - 350, ĐHQG TP. HCM trong nhóm 401 - 500 với 2 chỉ số về thu nhập ngành (40,8) và triển vọng quốc tế (39,8) khá cao, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 501+.