Theo Bộ GD - ĐT, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Bộ đã lập tức phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng các kế hoạch hành động, trong đó xác định những nhiệm vụ giải pháp trong từng năm, từng giai đoạn. Theo đó, tinh thần chỉ đạo đã đến được với 42.000 cấp ủy đảng, cơ sở giáo dục để thực hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện.
Đổi mới trong tư duy
Bộ GD - ĐT nhìn nhận, trong quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai Nghị quyết 29, từ năm 2014 đến tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 quyết định, Bộ GD - ĐT ban hành 158 thông tư, Bộ LĐ – TB - XH ban hành 34 thông tư. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT căn cứ tình hình triển khai nhiệm vụ còn ban hành thêm các quyết định cá biệt để kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản cho phù hợp với thực tế, khắc phục những hạn chế, “nút thắt” cản trở quá trình đổi mới.
Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong 5 năm qua, ngành đã làm được nhiều việc, trong đó phải kể đến việc đưa Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học để Quốc hội xem xét, dự kiến tại kỳ hợp sắp tới sẽ thông qua. Bước đầu, về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ về Dự án Luật và đồng ý với hồ sơ Dự án Luật. Sau Dự thảo Luật Giáo dục Đại học là Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009, do luật có những điều, những nội dung không còn phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại.
Theo đánh giá tác động của Bộ GD - ĐT, trong 5 năm qua, ngành đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đặc biệt là xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo yêu cầu Nghị quyết số 29 và Nghị quyết 88/2014/QH13. Những chủ trương này là chiếc khung để tiến tới xây dựng chương trình môn học, chương trình sách giáo khoa từng cấp học, đây là việc làm quan trọng và không kém phần thận trọng. Cũng trong thời gian thực hiện Nghị quyết 29, lãnh đạo Bộ GD - ĐT luôn khẳng định và nhấn mạnh chuẩn đầu ra cho từng bậc học. Điểm qua thấy rằng, bậc mầm non phải đảm bảo giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; bậc giáo dục phổ thông sẽ chủ yếu dựa theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó nhấn mạnh về phẩm chất, năng lực của từng bậc học; với bậc giáo dục nghề nghiệp, dự kiến, cuối năm 2018 sẽ xây dựng xong 159 bộ quy định khối lượng kiến thức, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (chuẩn đầu ra) cho 169 ngành, nghề; với bậc đại học, ngành giáo dục đã quán triệt phải có chuẩn đầu ra cho từng ngành học để đáp ứng được ngay yêu cầu của thị trường lao động.
Năm năm cho chặng đường đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản không phải là dài nhưng đủ để nhìn nhận, đánh giá, khái quát những tác động của chính sách mà sự thay đổi đó mang lại. Trong khoảng thời gian đó, điều được dư luận chú ý, quan tâm nhất có lẽ vẫn là các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng hằng năm, với 2 mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh), được triển khai bắt đầu từ năm 2015. Bộ GD - ĐT nhìn nhận, kỳ thi đã đổi mới căn bản phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Nhưng từ năm 2017 trở lại đây, kỳ thi chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài, với 3 bài thi độc lập và 2 bài thi tổ hợp; đề thi các môn hầu hết có dạng trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn), kỳ thi tổ chức thi tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cũng trong 5 năm qua, ngành giáo dục đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Cụ thể, đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm chuẩn hóa hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.
Điều còn băn khoăn
Thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành TƯ là một quá trình cần thời gian, không thể một sớm một chiều có thể làm tốt ngay được. Nhưng không vì thế mà nhiều chủ trương liên tục bị thay đổi, khiến các phụ huynh, học sinh và giáo viên phải chạy theo. Những hạn chế này đã được ngành giáo dục thừa nhận và đưa ra nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan.
Về tư tưởng chỉ đạo đã bộc lộ nhiều hạn chế, đáng chú ý công việc quan trọng như tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 29 cho đội ngũ giáo viên còn chưa sâu rộng, chưa gắn với thực tiễn nên còn một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân, chưa chủ động tham gia vào quá trình đổi mới. Việc xây dựng chương trình đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được hiện đại hoá, còn thiên về lý thuyết, nhẹ về thực hành, điều này đã được Bộ GD - ĐT thừa nhận.
Những hạn chế trong việc đổi mới đánh giá, thi ở các cấp học và trình độ đào tạo giai đoạn vừa qua vẫn chưa thực sự được khắc phục căn cơ, chưa đáp ứng được vai trò “đột phá” cho công cuộc đổi mới GD - ĐT. Đáng chú ý, trong những năm qua, việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém chủ quan từ ngành giáo dục. Từ việc gian lận trong một số khâu coi và chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia cho đến nhiều bức xúc trong xét tuyển đại học, cao đẳng, khiến những đối tượng chịu tách động phải “chạy theo” mà không biết điểm dừng đổi mới có tiếp tục thay đổi nữa hay không? Những tồn tại này, Bộ GD - ĐT nhìn nhận chủ quan rằng, chế tài xử lý các vi phạm trong giáo dục còn yếu, không đủ sức răn đe; việc thực hiện kết luận thanh tra còn chậm, không triệt để; chưa chú trọng việc theo dõi, xử lý sau thanh tra; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Xã hội và những đối tượng chịu tác động trực tiếp là học sinh, giáo viên, phụ huynh rất mong chờ một cuộc “lột xác” có kế hoạch bài bản, có định hướng lâu dài mang tầm chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo, để học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo không còn phải chạy theo những thay đổi từng năm... Cùng với đó là ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục, của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới giáo dục mà Nghị quyết 29 đã đề ra.
Như Quỳnh