Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Chuyên gia Nghề nghiệp- Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo.
Trong 4 năm gần đây, tôi tự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của mình trong vòng 10 - 15 năm tới. Là người làm nghề quản trị nhân sự và đào tạo phát triển con người, bắt đầu vào năm 2016, khi chú ý tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngay lập tức, tôi suy nghĩ về nghề nghiệp của mình trong tương lai sẽ như thế nào.
Trong quá trình tự hoàn thiện bản thân đó, tôi nhận thấy có một sự khác biệt vô cùng lớn giữa công cụ và phương pháp phát triển nghề nghiệp trong quá khứ và tương lai. Thật may mắn, trong 4 năm qua, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong vai trò chuyên gia hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Chính nhờ sự may mắn đó, khái niệm “Thiết Kế Nghề Nghiệp” được tôi tư duy và áp dụng cho chính bản thân, chủ yếu từ “Design Thinking” (Tư duy Thiết kế). Trong hiện tại và quá khứ, công việc không thay đổi nhiều. Ví dụ, vị trí kỹ sư điện sẽ không có thay đổi nhiều qua thời gian. Như vậy, toàn bộ phương tiện, phương pháp và công cụ phát triển nghề nghiệp và công việc trong quá khứ chỉ tập trung vào việc phân tích nhận dạng sự phù hợp của cá nhân về tính cách ham muốn và năng lực so với những yêu cầu của các nghề nghiệp cố định.
Sau khi chọn xong nghề nghiệp/công việc thì sẽ có những kế hoạch được lập trình sẵn để làm thế nào thành công trong nghề nghiệp/công việc đã chọn đó, ví dụ, muốn làm kỹ sư Điện thì phải thi vào đại học Bách khoa, sau đó, phải học giỏi, nghiên cứu khoa học, tiếng Anh tốt để được nhận vào công ty nước ngoài, từ đó thăng tiến. Toàn bộ hệ thống phát triển nghề nghiệp/công việc được định dạng trên những cái đã biết rõ và đã được phân tích, nghiên cứu và xây dựng chi tiết, cụ thể. Điểm khác biệt thay đổi mọi quan niệm và tư duy về nghề nghiệp, đó chính là các nghề nghiệp/công việc mới tương lai và các nghề nghiệp/công việc hiện tại sẽ thay đổi thế nào dưới sự tác động của công nghệ 4.0.
Ví dụ rất rõ, khi 4 năm trước, xã hội Việt Nam không thể tiên đoán một ngày sẽ có hàng chục ngàn bạn chạy xe ôm công nghệ trên đường phố. Chắc chắn, các chuyên gia hướng nghiệp và phát triển nghề nghiệp không thể biết và hình dung ra nghề/công việc mới đó, nếu chúng ta quay lại thời gian những năm 2014 - 2015. Khi chúng ta không biết rõ nghề nghiệp/công việc tương lai ra sao, đòi hỏi những gì thì đa số công cụ phát triển nghề nghiệp trong quá khứ sẽ không còn phù hợp và chúng ta phải cần một triết lý mới cho phát triển nghề nghiệp/công việc. Thiết Kế Nghề Nghiệp dựa trên triết lý quan trọng: Để đối phó với bất định về nghề nghiệp/công việc tương lai, mỗi cá nhân phải tự mình chủ động và độc lập thiết kế cho chính mình.
Những nền tảng quan trọng của phương pháp Thiết Kế Nghề Nghiệp
Trong quá khứ, chúng ta hay nói tới ngộ nhận nghề nghiệp/công việc. Ví dụ, một bạn thấy công việc tổ chức sự kiện rất hoành tráng, tuy nhiên, bạn đó không thấy được những đòi hỏi ví dụ phải thức cả đêm để chuẩn bị cho sự kiện sáng hôm sau. Nền tảng đầu tiên của Thiết Kế Nghề Nghiệp/công việc chính là thấu cảm nghề nghiệp - Career Empathy. Để đánh giá chính xác nghề nghiệp như thế nào chúng ta cần phải vượt qua góc nhìn cá nhân chủ quan về nghề nghiệp. Chúng ta cần phải hiểu nghề nghiệp một cách khách quan như nó tồn tại trong xã hội. Tư duy nhiều góc nhìn chính là một công cụ mạnh để có được thấu cảm nghề nghiệp. Theo tôi, thấu cảm nghề nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất của nghề nghiệp tương lai. Chúng ta phải luôn luôn nhìn nhận nghề nghiệp đang phát triển và hình thành với góc nhìn biện chứng, phản biện và khách quan. Nền tảng thứ hai của thiết kế nghề nghiệp đó chính là trải nghiệm nghề nghiệp. Để nói lên bản chất của trải nghiệm nghề nghiệp, đó chính là câu nói của người Nhật: Có nhiều việc các bạn cần phải làm thì mới có thể hiểu. Sai lầm lớn nhất của phát triển nghề nghiệp trong quá khứ, đó chính là phù hợp nghề nghiệp chỉ sử dụng các công cụ như những bài “test” trắc nghiệm hoặc những buổi tư vấn “coaching” nghề nghiệp. Nghề nghiệp trong tương lai đòi hỏi các bạn trẻ cần phải làm thật sự và khi làm có thấu cảm nghề nghiệp như đã nói ở trên, sẽ giúp các bạn đánh giá chính xác mình có phù hợp với nghề nghiệp không, mình sẽ cần đào tạo phát triển thêm những gì và cuối cùng mình sẽ phải thay đổi như thế nào. Nền tảng thứ ba của Thiết Kế Nghề Nghiệp chính là các mảnh ghép nghề nghiệp – Career Canvas. Do nghề nghiệp trong tương lai biến động quá nhanh nên nghề nghiệp sẽ không thể cố định trong một thời gian dài mà chỉ có một số thành phần là cố định. Chúng ta đã có nghiên cứu các thành phần của một nghề nghiệp bao gồm tâm thế, thái độ, kỹ năng, tri thức, công nghệ. Như vậy, thay vì phát triển nghề nghiệp hướng tới một nghề nghiệp hoàn chỉnh thì tương lai các bạn trẻ sẽ phải xây dựng từng mảng ghép để có thể phối các mảng ghép nghề nghiệp theo một nghề mới bất kỳ nào. Đây chính là một điểm thay đổi lớn lao trong nghề nghiệp tương lai. Như vậy, quản trị nghề nghiệp trong tương lai chính là kiến tạo ra các mảng ghép nghề nghiệp, xác định yêu cầu của công việc và lắp ghép những mảng ghép nghề nghiệp theo các công việc mới. Nền tảng thứ tư đó chính là giá trị công việc tạo ra. Thiết Kế Nghề Nghiệp nhấn mạnh tới giá trị vì công việc tồn tại là nhờ giá trị. Thay vì tập trung cho nghề nghiệp, các bạn trẻ cần suy nghĩ giá trị mà mình kiến tạo ra sẽ như thế nào, mình cần phải làm gì để tạo ra giá trị, mình cần công nghệ gì, tri thức gì, kỹ năng gì và thái độ gì để đảm bảo tạo ra giá trị vượt trội trên thị trường cung và cầu lao động. Chúng ta có thể thấy qua hai cá nhân cùng ứng tuyển vào vị trí marketing. Cá nhân theo cách phát triển nghề nghiệp cũ sẽ hỏi ông chủ là ông cần làm cái gì và tôi sẽ xem tôi có phù hợp hay không. Còn cá nhân theo phương pháp thiết kế nghề nghiệp sẽ nói với ông chủ, tôi có thể làm được những giá trị này cho ông và nếu ông cần, tôi có thể tối ưu, thiết kế lại bản thân tôi để đáp ứng với nhu cầu mới hoặc phát sinh theo thời gian. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ chon bạn A hay bạn B? Triết lý quan trọng của Thiết Kế Nghề Nghiệp, đó là nghề nghiệp và yêu cầu công việc luôn luôn thay đổi từ công nghệ, đòi hỏi khách hàng, mô hình kinh doanh, cạnh tranh… Sự thay đổi không ngừng nghỉ của bản chất nghề nghiệp và công việc đòi hỏi người lao động phải thiết kế, tinh chỉnh và thay đổi thậm chí đột phá bản thân nhằm đáp ứng những sự thay đổi trong nghề nghiệp đó một cách liên tục.
Cần triển khai Thiết Kế Nghề Nghiệp cho chính mình
Tâm thế quan trọng nhất của Thiết Kế Nghề Nghiệp chính là tâm thế khởi nghiệp. Đây là một trong những lý do quan trọng tôi luôn luôn đề cập là các trường đại học cần dạy khởi nghiệp cho sinh viên để họ thành công trong nghề nghiệp. Bản chất của một doanh nghiệp khởi nghiệp chính là kiến tạo giá trị trong các điều kiện bất định, thông qua đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ. Như vậy, Thiết Kế Nghề Nghiệp chính là quá trình một người lao động xác định những giá trị mình tạo ra, cách thức mình tạo ra giá trị cũng như những yêu cầu tạo ra giá trị một cách sáng tạo cho nghề nghiệp công việc cụ thể mong muốn nhằm đáp ứng những sự thay đổi từ công nghệ của tương lai. Các bạn trẻ cần xác định càng cụ thể càng tốt nghề nghiệp, công việc, ngành, công ty, vị trí mà mình sẽ làm trong tương lai. Từ việc xác định rõ những giá trị, các bạn trẻ cần thực hiện chu trình thấu cảm nghề nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp, mảnh ghép nghề nghiệp một cách liên tục. Tư duy Thiết Kế Nghề Nghiệp đòi hỏi các bạn trẻ tốc độ và suy ngẫm những gì chưa hoàn thiện trong bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Trong quá trình Thiết Kế Nghề Nghiệp, các bạn trẻ cần áp dụng khái niệm công việc căn bản tối thiểu – Minimum Requirement Job. MRJ là một bản căn bản nhất công việc cần thực hiện. Ví dụ, một bạn sinh viên muốn làm vị trí “marketing online”. Một MRJ với bạn sinh viên chính là vị trí “marketing online” tại một công ty “startup” hay một dự án. Thông qua MRJ, tất cả những gì về công việc sẽ trở nên rõ ràng, cụ thể và chính xác. Một cách hình tượng, thiết kế công việc chính là quá trình xây dựng các MRJ một cách liên tục và bền vững theo thời gian. Một điều rất thú vị các công cụ trong khởi nghiệp như mô hình kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn… đều áp dụng hoàn hảo trong thiết kế nghề nghiệp vì khởi nghiệp và nghề nghiệp có chung bản chất là kiến tạo giá trị.
Doanh nghiệp luôn luôn tìm kiếm những người giỏi nhất trong công việc. Những người giỏi nhất luôn luôn biết mình cần tạo giá trị gì, mình cần làm gì, mình làm như thế nào để trở thành người giỏi nhất tại vị trí đang ứng tuyển. Người giỏi nhất tại bất kỳ vị trí công việc nào sẽ nói được cho doanh nghiệp cần làm như thế nào để tạo ra giá trị tốt nhất hay hiệu quả nhất. Nếu các bạn có tâm thế xin việc và đợi doanh nghiệp hay lãnh đạo nói cho các bạn cần phải làm gì có lẽ các bạn là lao động của quá khứ thay vì tương lai.