Theo TS Nguyễn Văn Tường, cảm xúc là phản ứng của cơ thể, liên quan đến những biểu hiện về mặt sinh lý, hành vi, nhu cầu, động cơ... của con người. Về nguồn gốc, cảm xúc bắt nguồn từ ba lý thuyết cơ bản. Thứ nhất, lý thuyết sinh lý giải thích cảm xúc là phản ứng sinh lý của cơ thể, nó mang tính bản năng và xuất hiện trước những kích thích bên trong lẫn bên ngoài. Thứ hai, lý thuyết thần kinh cho rằng cảm xúc xuất phát từ hoạt động của não bộ. Thứ ba, lý thuyết nhận thức giải thích nhận thức, suy nghĩ khác nhau thì cảm xúc cũng khác nhau.
Do những lý thuyết trên mà cảm xúc trở nên đa dạng. Sự đa dạng thể hiện qua các mức độ nhẹ nhàng hay sâu đậm và tính đối lập như vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau... “Người ta hay chia cảm xúc thành nhóm tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, cảm xúc có thể âm tính nhưng không hẳn tiêu cực. Cảm xúc tích cực hay tiêu cực được xác định dựa trên hệ quả của nó đối với bản thân chứ không dựa vào tên gọi của cảm xúc đó” - TS Nguyễn Văn Tường khẳng định.
Theo TS Nguyễn Văn Tường, để làm chủ cảm xúc của bản thân, mỗi bạn trẻ cần có quá trình quản lý cảm xúc phù hợp và giải quyết từng bước.
Nhiều bạn trẻ cần hỗ trợ về tâm lý trong thời gian giãn cách. (Ảnh: Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) |
Bước thứ nhất, theo TS Tường là nhận biết và gọi tên cảm xúc mà bản thân hoặc người xung quanh đang gặp phải.
Bước thứ hai là kiểm soát cảm xúc. Trước hết, mỗi người cần đưa ra quyết định có nên kiểm soát cảm xúc đó hay không. TS Nguyễn Văn Tường lưu ý cảm xúc cần được quản lý là loại cảm xúc được bộc lộ cường độ mạnh, tạo sự chấn động trong con người cũng như ảnh hưởng sức khỏe sinh lý.
Sau đó, chúng ta cần làm chậm việc bộc lộ cảm xúc theo hướng tiêu cực như chửi bới, đập phá, gây tổn thương người khác... bằng cách sử dụng các kỹ thuật hành vi. Có thể uống nước để giảm sự hồi hộp, tức giận; hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh; di chuyển đến nơi khác để kiềm chế cơn nóng giận hoặc chia sẻ điều mình sợ hãi, lo lắng với một người tin tưởng. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật thư giãn bằng tưởng tượng, nghĩa là suy nghĩ về điều tốt đẹp hoặc người mình yêu thường.
Bước thứ ba là hiểu rõ cảm xúc. Theo TS Tường, đây là lúc mỗi người cần tập trung tìm ra nguyên nhân của việc bộc lộ cảm xúc tiêu cực, bằng cách sử dụng tư duy phản biện để tìm “chứng cứ” gây cảm xúc tiêu cực và vận dụng mọi nhãn quan để nhìn nhận khách quan về cảm xúc của mình.
Bước thứ tư là sử dụng cảm xúc theo hướng tích cực. TS Nguyễn Văn Tường khẳng định, cảm xúc là bản năng, quản lý cảm xúc là bản lĩnh. Do đó, mỗi bạn trẻ không nên ngăn cản những cảm xúc bản năng như tức giận, buồn bã, sợ hãi... mà tìm cách bộc lộ chúng theo hướng tích cực. Có thể trì hoãn việc bộc lộ quá mức bằng cách áp dụng phương pháp ở bước hai và sau đó tìm đến chuyên gia.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Tường cũng lý giải và đưa ra giải pháp cho từng trường hợp cụ thể của sinh viên như Cách kiểm soát cơn nóng giận, Nhận biết rối loạn lưỡng cực... và giới thiệu những đầu sách về trí tuệ cảm xúc, lao động cảm xúc cho sinh viên.