Chương trình do Thành ủy TP. HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023). Đây là dịp để các bạn trẻ bày tỏ nguyện vọng, suy nghĩ, đồng thời lắng nghe những định hướng, đặt hàng của lãnh đạo TP. HCM nhằm làm chất liệu để chuẩn bị nội dung phương hướng, giải pháp cho nhiệm kỳ mới của Hội Sinh viên TP. HCM lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Tham dự chương trình, có Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi (giữa), Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Hiếu (ngoài cùng, bên trái), Bí thư Thành Đoàn TP. HCM Phan Thị Thanh Phương (ngoài cùng, bên phải) cùng lãnh đạo các sở, ngành đã lắng nghe, chia sẻ với các các bạn trẻ. |
Chương trình còn có sự tham gia của 100 sinh viên tiêu biểu, sinh viên xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. HCM.
Tái định hình tư duy của giới trẻ
Tại chương trình, Võ Lập Phúc (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) cho rằng, thời gian qua, công tác bồi dưỡng, đào tạo, phát triển tài năng trẻ của thành phố đã phù hợp với Nghị định 140 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Điều này được cụ thể hóa bằng Đề án 01 của Thành ủy TP. HCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP. HCM, giai đoạn 2020 - 2035.
Võ Lập Phúc (trường ĐH Sư phạm TP. HCM) phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Theo Phúc, các đề án, chương trình, cơ chế, chính sách của thành phố đã đúng, đủ, nhưng Phúc cũng mong thành phố nắm bắt thêm tâm lý, mối quan tâm, nhu cầu của sinh viên. “Nhắc đến môi trường làm việc công, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đây là môi trường của khuôn khổ, quy tắc, khó thể hiện được bản sắc của mình. Do vậy, mong giai đoạn tới có những hoạt động, cơ chế, chính sách để tái định hình tư duy của giới trẻ, nhằm giúp các bạn hiểu rằng môi trường làm việc nhà nước bên cạnh đề cao tính kỷ luật, tập thể, còn là môi trường tạo dư địa để cá nhân sáng tạo, phát triển, thể hiện bản sắc của mình”, Lập Phúc bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM Nguyễn Thị Châu Anh cho biết, dù không sinh ra tại TP. HCM, nhiều bạn trẻ như Châu Anh khi học tập, rèn luyện ở đây đã tiếp nhận được những điều kiện thuận lợi. Vì lẽ đó, Châu Anh cho rằng, các bạn sinh viên tiêu biểu cần tiếp nối những thành quả của các thế hệ trước đã gầy dựng.
Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP. HCM Nguyễn Thị Châu Anh phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Qua tiếp cận các bạn học, nữ cán bộ Hội Sinh viên nhận định, có một số bạn sinh viên khối ngành Công nghệ thông tin (IT) chọn ưu tiên tham gia các công việc hoặc dự án của các công ty tư nhân bởi ở đó các bạn được đặt ra những bài toán lớn, được ứng dụng kiến thức rất nhiều; trong khi đó các bạn chưa tiếp cận được những bài toán lớn của thành phố. “Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, thành phố có nhiều bài toán cần các bạn sinh viên IT giải. Do đó, chúng mình mong rằng, trong thời gian tới, thành phố chúng ta đề ra những giải pháp cụ thể để gắn đội ngũ này vào những bài toán lớn, đặc biệt là trong những bài toán có yếu tố công nghệ trong lĩnh vực hành chính công, để các bạn ứng dụng kiến thức của mình cũng như tạo được những giá trị cụ thể”, chị Châu Anh kiến nghị trong chương trình.
Thành phố cần có cơ chế thu hút nguồn cán bộ Đoàn - Hội
Phạm Đức Công (trường ĐH Công nghệ TP. HCM) bày tỏ băn khoăn việc vừa học, vừa tham gia công tác Đoàn – Hội sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả học tập và sẽ không đủ tiêu chuẩn điểm số để có thể tham gia làm việc ở khu vực công. Dù vậy, Công vẫn làm bởi chính quá trình này giúp phát triển bản thân, tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết trong tim. “Mình mong muốn thành phố có cơ chế thu hút nhân lực, đặc biệt là nguồn cán bộ Đoàn Hội như một nguồn nhân lực mới góp phần xây dựng và phát triển thành phố, đất nước”, Đức Công đề đạt.
Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP. HCM Mai Hải Yến chia sẻ nỗi trăn trở, khi đặc thù là trường chính trị nên sinh viên học viện khó có thể tốt nghiệp Xuất sắc, dù đã rất nỗ lực học tập. Hải Yến bày tỏ nguyện vọng thành phố có cách nhìn đa chiều hơn và tiếp cận từng đối tượng của từng khu vực chuyên ngành khác nhau, để không chỉ các bạn đạt thành tích Xuất sắc hay đoạt các giải thưởng của các kỳ thi mới là đối tượng của chương trình thu hút nhân tài. “Cụ thể, các bạn sinh viên học viện hầu hết đều mong muốn trở thành những cán bộ, công chức tương lai của thành phố, đóng góp kiến thức cho sự phát triển của thành phố”, Hải Yến nói thêm.
Mai Hải Yến, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Học viện Cán bộ TP. HCM nêu ý kiến tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Thực tế trải nghiệm và trưởng thành từ diễn đàn “Nếu tôi là Chủ tịch Hội Sinh viên trường” trước đây, tại buổi đối thoại, Trương Văn An (Phó Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG TP. HCM) đề xuất thực hiện chương trình “Nếu tôi là Chủ tịch UBND TP. HCM”. Theo An, sân chơi này sẽ giả lập những kỳ họp của UBND, HĐND thành phố và tuyển chọn những bạn sinh viên tiêu biểu làm đại biểu với những vai trò khác nhau dựa trên những nhu cầu và năng lực thực tế của các bạn. Sau đó sẽ đưa các bạn về cơ sở để đào tạo và tham gia công tác thực tiễn tại các sở, ban, ngành.
“Với chương trình này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp người trẻ hiểu hơn về hệ thống chính trị, hành chính của thành phố cũng như cả nước, đồng thời có cơ hội lắng nghe những tư duy, đề xuất hiến kế của các bạn sinh viên tiêu biểu. Mặt khác, qua đó cũng giúp nhà nước tuyển chọn được những người tài vào hệ thống chính trị thành phố”, Trương Văn An góp ý.